Hoạt động của ngành

Đậm đà hương vị xứ Tuyên

Cập nhật: 24/09/2012 14:19:12
Số lần đọc: 2063
Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2012 gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII. Chủ đề của Hội thi ẩm thực năm nay là “Đậm đà hương vị xứ Tuyên” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị, hấp dẫn.
Phụ nữ phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) nấu cơn lam, món ăn truyền thống của dân tộc Tày.
Hội thi ẩm thực thành phố Tuyên Quang 2012 có 5 nội dung thi: Gói, nấu bánh chưng, thổi cơm lam, xôi ngũ sắc, giã bánh dày, cắm hoa nghệ thuật. Đây là dịp để các nghệ nhân ẩm thực trên địa bàn thành phố giao lưu học hỏi kinh nghiệm nấu ăn và giới thiệu các món ăn truyền thống mang đậm bản sắc thành Tuyên đến với đông đảo bạn bè gần xa.

Hội thi sẽ được tổ chức trong ngày 28-9 tại khu vực vườn hoa đường Chiến Thắng Sông Lô, tổ 7, phường Tân Quang. Năm nay hội thi gói, nấu bánh chưng thu hút đông đảo các nghệ nhân ẩm thực tham gia. Theo thể lệ, mỗi đội sẽ gói 10 chiếc bánh chưng vuông trong thời gian 20 phút. Nghệ nhân Đặng Thị Thành, Đội trưởng đội phường Tân Quang cho biết, đội đã từng 3 năm liền đoạt giải nhì thi gói, nấu bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); năm ngoái, đội đoạt giải nhất thi gói, nấu bánh chưng do UBND thành phố Tuyên Quang tổ chức. Để có được chiếc bánh chưng ngon, vuông vắn, đẹp mắt cần phải chọn được gạo dẻo, thứ gạo nếp trồng trên nương, không lẫn tẻ. Thịt lợn làm nhân bánh cũng được chọn rất kỹ, được lấy từ con lợn khoảng 60 kg, không nuôi thức ăn công nghiệp. Dùng lá dong bánh tẻ để gói bánh thì bánh mới xanh, mịn và đẹp. Đội tổ chức tập dượt trước khi thi để phân công người gói, người buộc lạt để ngày thi suôn sẻ...

Nội dung thi giã bánh dày cũng được các nghệ nhân chuẩn bị tinh thần tham gia hào hứng. Bà Lê Thị Hoa, Đội trưởng đội thi giã bánh dày của phường Phan Thiết cho biết, đã tìm và đặt mua được 5 kg gạo nếp nhung ngon, không lẫn tẻ. Bà bật mí: Để có được chiếc bánh dày thơm ngon, khi đun nước để hấp gạo cần chú ý đun đủ lửa, hơi nước bốc lên đều mới được rền bánh. Phải là người có thể lực tốt thì mới giã bánh dày được nhanh, bánh nhuyễn, dẻo. Dùng lá chuối rừng xanh và sạch để lót bánh. Bánh đạt yêu cầu là bánh phải trắng, mịn, thơm, dẻo, thành bánh cao, không chảy xệ. Hội thi giã bánh dày tháng 3 - 2011 do UBND thành phố tổ chức đội đã đoạt giải nhì, đây là động lực cho cả đội quyết tâm giành được giải cao hơn trong hội thi này.

Bà Nguyễn Thị Phú, Đội trưởng đội thi thổi cơm lam phường Phan Thiết chia sẻ: Các thành viên trong đội đã đi tìm được tre gai non, ống nhỏ, mình dày và có màng non để làm cơm lam. Đội cũng đã đặt mua được loại gạo nếp nhung hạt đều, trắng và không lẫn tẻ. Cần ngâm gạo trước khi đun khoảng 12 tiếng. Nước dùng để thổi cơm lam phải là nước suối nguồn, trong, sạch. Khi thổi cơm lam cần phải dựng đứng ống cơm, đun đến khi sôi thì đặt nằm ống và xoay ống đều tay để không bị cháy bên nào. Khi thấy ống tre sùi bọt như “mắt na” là cơm đã chín, dễ tách vỏ, hạt cơm dẻo và thơm.

Hội thi ẩm thực thành phố Tuyên Quang là một nét đẹp văn hóa, góp phần thu hút  đông đảo du khách đến với thành Tuyên./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục