Hoạt động của ngành

Lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích Óc Eo–Ba Thê là Di sản văn hóa Thế giới

Cập nhật: 14/11/2012 09:15:46
Số lần đọc: 1805
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 4313/QĐ-BVHTTDL phê duyệt thực hiện xây dựng hồ sơ Khu di tích Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện xây dựng hồ sơ Khu di tích Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án xây dựng hồ sơ Khu di tích Óc Eo – Ba Thê đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định.

Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret khai quật và nghiên cứu vào năm 1944, có diện tích rộng tới 450 hécta. Đây là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng 2.000 năm.

Qua các cuộc khai quật, nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, công cụ bằng đồng và bằng đá; các loại hiện vật bằng đất nung như dọi xe sợi, bếp lò, đĩa đèn, chậu, nồi…

Theo các nhà khoa học, các bằng chứng khảo cổ tìm thấy đã cho thấy nền văn minh Phù Nam có những bước phát triển rực rỡ thể hiện ở hệ thống kênh đào chằng chịt, nền thủ công nghiệp phát triển gồm các nghề thủ công kim hoàn, gốm sứ là tiền đề cho các ngành thương nghiệp phát triển. Ngoài ra, những di tích kiến trúc xây dựng còn lại như các đền thờ, mộ táng bằng gạch đá hỗn hợp là sự giao lưu, kết hợp các nền văn minh thời cổ đại trong khu vực và văn hoá bản địa tạo ra một sự phong phú đặc sắc và độc đáo./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục