Hoạt động của ngành

Hà Giang phát triển du lịch cộng đồng gắn với khôi phục nghề truyền thống

Cập nhật: 30/10/2012 15:39:45
Số lần đọc: 2162
(TITC) - Là nơi quy tụ của cộng đồng 22 dân tộc (Kinh, Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Sán Dìu, Pà Thẻn…), trong đó mỗi dân tộc lưu giữ những giá trị, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo mà không phải vùng đất nào cũng có được, Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, coi đây là bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.

Trước năm 2006, một số làng dân tộc ở Hà Giang đã được các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan, tổ chức ăn nghỉ tại nhà dân. Hình thức du lịch homestay xuất hiện từ đó, nhưng hoàn toàn mang tính tự phát, chưa có sự quản lý, hướng dẫn của các cấp, các ngành liên quan; người dân chưa có kỹ năng khai thác, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc để phát triển du lịch.  

 

Nhận thấy những thế mạnh và lợi ích từ phát triển loại hình du lịch cộng đồng, ngành du lịch Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tích cực triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch với chủ trương mỗi huyện tập trung phát triển một làng văn hóa gắn liền với du lịch cộng đồng, sau đó nhân rộng ra toàn huyện. Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 15 làng đã đi vào hoạt động, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú như: làng văn hóa du lịch thôn Tha, Tiến Thắng, Hạ Thành, Tùy (thành phố Hà Giang); thôn Kiềm (huyện Bắc Quang); thôn Bản Lạn (huyện Bắc Mê); thôn Thanh Sơn (huyện Vị Xuyên); thôn Nà Ràng (huyện Xín Mần); thôn Chì (huyện Quang Bình) – gắn với văn hóa dân tộc Tày; thôn Bục Bản (huyện Yên Minh) – dân tộc Giáy; thôn Nậm Hồng, Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì); thôn Nậm Đăm (huyện Quản Bạ) – dân tộc Dao; thôn Sảng Pả A (huyện Mèo Vạc) – dân tộc Lô Lô; thôn Lũng Cẩm Trên (huyện Đồng Văn) – dân tộc Mông. Thu nhập ban đầu từ các dịch vụ du lịch tuy chưa cao nhưng cũng là nguồn động viên, khích lệ để người dân tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng.    

 

Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Giang cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn du lịch cộng đồng cho hàng nghìn học viên tại các thôn, bản nhằm cung cấp kiến thức về bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch; kỹ năng trong kinh doanh, phục vụ khách du lịch, trình tự đón khách, quy trình phục vụ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm; kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hướng dẫn khách tham quan…

 

Được sự định hướng của các cấp chính quyền, một số huyện ở tỉnh Hà Giang đã khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, cung cấp cho du khách những sản phẩm lưu niệm độc đáo như: các sản phẩm dệt lanh (huyện Quản Bạ), mây tre đan (huyện Vị Xuyên, Bắc Quang), rượu ngô Thanh Vân (huyện Quản Bạ), rượu Nàng Đôn (huyện Hoàng Su Phì)… Trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Lô Lô, Pà Thẻn, Dao... cũng được đông đảo du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích.  

 

Ngoài ra, các huyện cũng đã chủ động cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ nhân dân xây dựng một số công trình cơ bản như: đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa du lịch cộng đồng, cổng làng, công trình vệ sinh khép kín, bể chứa nước sạch…  

 

Tuy nhiên, do hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn khá mới mẻ đối với người dân Hà Giang nên trong quá trình phát triển vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Những nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc yếu kém… Ở Hà Giang, nghề truyền thống hầu hết đã bị thất truyền do sự xâm nhập của hàng hóa được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nên việc khôi phục làng nghề truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, tại các huyện, đường xá, cơ sở vật chất lưu trú, công trình vệ sinh chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả; công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức… cũng là những thách thức lớn trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.

 

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc, Hà Giang rất cần đến sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của các cấp chính quyền. Tỉnh cần có biện pháp khôi phục, xây dựng các làng nghề thủ công truyền thống và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao nhận thức về du lịch cho đồng bào tại các làng văn hóa du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nguồn đầu tư phát triển du lịch tại Hà Giang…  

 

Với tiềm năng vốn có và những hướng đi đúng đắn, trong tương lai, Hà Giang sẽ từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch vùng núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, khám phá./.

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục