Hoạt động của ngành

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Du lịch Việt Nam phục hồi tích cực, là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 22/08/2024 16:06:01
Số lần đọc: 440
(TITC) - Sáng ngày 22/8, sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, được Chính phủ ủy quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Du lịch Việt Nam phục hồi tích cực, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: VGP

Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch

Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/20217 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao để phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19. “Đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã bảo đảm minh bạch, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển”, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các chính sách về miễn giảm thuế, tín dụng, nhập cảnh, quy định về mô hình quản lý các khu du lịch và các khu du lịch quốc gia; ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo đổi mới nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 03 hội nghị toàn quốc về du lịch: Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022), Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023), Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023). Hoàn thành việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số gắn với xây dựng sản phẩm mới, quản lý điểm đến và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VGP

Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo; du lịch văn hóa, di sản; du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; và du lịch đô thị. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu và bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm “Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc”.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương mình. Nhiều địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cần Thơ... đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố… tạo ấn tượng với khách du lịch.

Du lịch Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội

Du lịch Việt Nam phục hồi tích cực sau đại dịch và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57,5% so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, Việt Nam 5 lần liên tiếp nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị trong thời gian tới, ngành du lịch cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi phát triển du lịch. Gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”. Phấn đấu năm 2024 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 22/8/2024

Cùng chuyên mục