Hoạt động của ngành

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại Đà Nẵng

Cập nhật: 09/08/2024 19:25:50
Số lần đọc: 315
(TITC) - Chiều ngày 07/8, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 1908/KH-BVHTTDL, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm việc với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng về một số nội dung liên quan công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; công tác thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.


Đoàn công tác làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng

Đoàn công tác do Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý lữ hành, Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an).

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 544 đơn vị lữ hành, trong đó có 119 công ty lữ hành nội địa, 328 công ty lữ hành quốc tế, 53 chi nhánh lữ hành quốc tế, 25 VPĐD công ty trong nước, 15 đại lý du lịch, 04 VPĐD của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.811 hướng dẫn viên du lịch (do Sở Du lịch Đà Nẵng cấp thẻ).


Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Trong 07 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch đã thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho 11 đơn vị, cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho 05 đơn vị, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa của 09 đơn vị.

Sở Du lịch đã thẩm định hồ sơ cấp 1.206 thẻ hướng dẫn viên, cấp mới 562 thẻ hướng dẫn viên (393 thẻ quốc tế, 169 thẻ nội địa), cấp đổi 605 thẻ hướng dẫn viên (515 thẻ quốc tế, 90 thẻ nội địa), cấp lại 39 thẻ hướng dẫn viên (32 thẻ quốc tế, 07 thẻ nội địa).

Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch tại địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong 07 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch tiếp tục triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực du lịch; rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền về những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp lý và thực thi ảnh hướng đến hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; thường xuyên ban hành các văn bản nhắc nhở, chỉ đạo nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, thời điểm diễn ra các sự kiện, lễ hội của thành phố.

Sở Du lịch đã ban hành văn bản, hướng dẫn doanh nghiệp lữ hành triển khai đổi Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; thực hiện công tác báo cáo thống kê kê c định kỳ theo quy định. Thực hiện giảm 50% phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch từ ngày 01/7/2024 theo Thông tư số 43/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính.

Sở Du lịch đã tổ chức 07 khóa cập nhật kiến thức dành cho hướng dẫn viên đến hạn đổi thẻ, cấp 632 chứng nhận. Nội dung các khóa học lồng ghép cập nhật tình hình phát triển du lịch của thành phố, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; tăng cường các chuyên đề để nâng cao kiến thức về tuyến điểm, kỹ năng phục vụ khách; tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc đạo đức nghề và ứng xử của hướng dẫn viên, Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách của hướng dẫn viên..., kết hợp kiểm tra kiến thức về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động hướng dẫn. Ngoài ra Sở Du lịch đã chủ trì tổ chức 05 chương trình gặp mặt các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, trong đó có các doanh lữ hành nhằm trao đổi thông tin và bàn giải pháp thu hút các thị trường khách nội địa và quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch.

Đồng thời qua hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên, Sở đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng văn bản giả và chuyển Thanh tra Sở xử phạt 04 trường hợp.

Tính đến nay thành phố có 1.297 cơ sở lưu trú du lịch với 46.035 phòng, trong đó cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao và tương đương có 104 cơ sở với 20.358 phòng; hạng 3 sao và tương đương có 108 cơ sở với 7.061 phòng; khối 2 sao trở xuống có 1.085 cơ sở với 18.616 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng từ 1-5 sao và còn hiệu lực công nhận là 78 cơ sở với 14.331 phòng (chỉ chiếm gần 6% trên tổng số cơ sở lưu trú du lịch và chiếm 31% trên tổng số phòng toàn thành phố).

Tại buổi làm việc, Sở cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; quy định về hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; quy định về tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế; chất lượng hướng dẫn viên và công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch…

Đối với lĩnh vực lưu trú, là vấn đề tình trạng quảng cáo loại, hạng của cơ sở lưu trú du lịch không đúng trên các trang bán phòng trực tuyến hoặc trên các trang mạng xã hội… về hoạt động bể bơi trong các cơ sở lưu trú du lịch.

Công tác thống kê chưa đầy đủ do nhân sự các đơn vị còn hạn chế, đa số là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự chuyên trách về thống kê, nhân sự thường xuyên thay đổi gây ảnh hưởng đến việc thực hiện báo cáo thống kê. Ngoài ra, công tác thống kê, ghi chép và lưu trữ dữ liệu của cơ sở quy mô nhỏ chưa đầy đủ và chưa có tính hệ thống nên các đơn vị gặp khó khăn khi tổng hợp các chỉ tiêu theo quy định của ngành du lịch. Mức xử phạt đối với hành vi “Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định” còn thấp chưa đủ sức răn đe, chưa đủ hiệu lực ngăn ngừa và nâng cao hiệu quả công tác thống kê.

Nhân dịp này, Sở cũng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Du lịch, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, kiến nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xem xét, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động hướng dẫn du lịch, báo cáo thống kê du lịch, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch…

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc ghi nhận và đánh giá cao các kiến nghị, đề xuất của Sở Du lịch, cho biết đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị Sở trong quá trình quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, công tác quản lý khu điểm du lịch, thẩm định và công nhận hạng các cơ sở lưu trú du lịch, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ trực tiếp với Phòng Quản lý lữ hành và Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) để giải quyết.

Sau buổi làm việc với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong ngày 08-09/8 đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch tại một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo trên địa bàn.

Về lĩnh vực lữ hành, đoàn đã đi kiểm tra Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế HBC Besttour Vietnam, Công ty TNHH Dooriga Marketing, Công ty TNHH MTV Du lịch và Dịch vụ Gờ Cộng, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Công đoàn Đà Nẵng, Công ty TNHH Liên hợp vận tải và du Lịch Vi.Tra.Co. Qua kiểm tra hồ sơ tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tài khoản ký quỹ, người phụ trách hoạt động kinh doanh lữ hành), tình hình thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch (điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, tình hình thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động kinh doanh lữ hành, thực hiện lưu giữ hồ sơ), đoàn đề nghị các doanh nghiệp duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành để đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật; sắp xếp, lưu trữ hồ sơ khoa học để thuận tiện trong quá trình trích lục hồ sơ.

Về lĩnh vực lưu trú, đoàn đã làm việc với một số doanh nghiệp như Khách sạn Danang Marriott Resort and Spa, Non Nước Beach Villa (5 sao), Khách sạn Melia Đà Nẵng Beach (5 sao), Khách sạn Mường Thanh Grand (4 sao), Khách sạn Diamond Sea (4 sao), Khách sạn Tây Bắc (3 sao). Sau buổi làm việc, đoàn đề nghị các khách sạn tiếp tục quan tâm tăng cường đào tạo tại chỗ nâng cao chất lượng để đáp ứng các phân khúc khách thương mại và nâng cao trình độ ngoại ngữ, đa dạng hóa ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung; bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…

Về lĩnh vực đào tạo, đoàn đã làm việc với Trường Đại học Duy Tân. Qua kiểm tra, nhìn chung trường đã thực hiện tốt các quy định, lưu trữ hồ sơ đầy đủ, khoa học.


Đoàn công tác làm việc với các cơ sở lưu trú

Đoàn công tác làm việc, tham quan và chụp hình lưu niệm tại Trường Đại học Duy Tân

Thông qua các buổi làm việc, đoàn công tác đã tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nắm bắt thực trạng, khó khăn, tồn tại ở các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 09/8/2024

Cùng chuyên mục