Hoạt động của ngành

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 07/08/2024 16:23:25
Số lần đọc: 531
(TITC) - Triển khai Kế hoạch số 1908/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 06-07/8, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác do Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý lữ hành, Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an).

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm việc với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự tại một số cơ sở lưu trú du lịch; tiến hành kiểm tra hồ sơ liên quan đến việc sử dụng, quản lý hướng dẫn viên du lịch và đảm bảo điều kiện kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp sở tại.

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo đoàn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, Sở đã tiếp nhận và thẩm định 04 hồ sơ (02 hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 02 hồ sơ thu hồi) và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của 06 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận và thẩm định 361 thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó cấp mới 87 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 31 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, cấp đổi 241 thẻ và cấp lại 02 thẻ, đưa tổng số thẻ được cấp trên địa bàn tỉnh là 3.451 thẻ (2.415 thẻ quốc tế và 1.036 thẻ nội địa). Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên, Sở đã phát hiện và thu hồi 03 hồ sơ sử dụng bằng giả trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Hiện nay tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh là 95 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch, trong đó có 69 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 07 văn phòng và đại lý du lịch.

Tính đến tháng 7 năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú du lịch, với 14.229 phòng và 22.918 giường, trong đó có 205 khách sạn. Khách sạn được xếp hạng từ 4-5 sao có 19 khách sạn, riêng về khách sạn từ 1-3 sao giảm gần 90% so với năm 2017 (hiện nay chỉ còn 13 khách sạn).

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong 7 tháng đầu năm, Sở Du lịch đã tổ chức 03 khóa cập nhật kiến thức cho 310 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế; Tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ cho lao động nghề du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế đối với tiểu thương chợ Đông Ba, cộng đồng làm du lịch tại huyện A Lưới; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Quảng Điền, Hương Trà, A Lưới và huyện Nam Đông năm 2024 cho hơn 200 học viên. Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức khảo sát, thảo luận chuyên đề cho cộng đồng địa phương trên địa bàn tỉnh học tập mô hình du lịch biển đảo, đầm phá tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và tại Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Nhân dịp này, Sở cũng đã nêu một số kiến nghị liên quan đến các văn bản quy định pháp luật về trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; việc đăng ký và công nhận hạng sao của những khách sạn 1-3 sao trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, và tương tự đối với các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; việc chấp nhận bản chính giấy chứng nhận đã qua khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch hoặc áp dụng danh sách đủ điều kiện giấy chứng nhận đã qua khóa cập nhật kiến thức đối với thủ tục cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Đoàn công tác đã có những ý kiến đối với công tác quản lý nhà nước của Sở Du lịch, đồng thời ghi nhận các kiến nghị của Sở Du lịch, đoàn sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đoàn công tác đề nghị Sở trong quá trình quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, công tác quản lý khu điểm du lịch, thẩm định và công nhận hạng các cơ sở lưu trú du lịch, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ trực tiếp với Phòng Quản lý lữ hành và Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) để giải quyết.

Sau buổi làm việc với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn công tác phối hợp với cán bộ chuyên trách của Sở đã đi kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch tại một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn như Công ty TNHH MTV Khu du lịch sinh thái Vedana, Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành, Khách sạn 5 sao Azerai La Résidence, Khách sạn 4 sao Mondial Huế, Khách sạn 3 sao Alba Spa, Khách sạn 2 sao Thân Thiện và Khách sạn 1 sao Khánh Trang.

Thông qua các buổi làm việc, đoàn công tác tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ sở giáo dục đào tạo, nắm bắt thực trạng, khó khăn, tồn tại ở các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương.

Đoàn làm việc với các đơn vị kinh doanh du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo kế hoạch, chiều 07/8 và ngày 08/8 đoàn sẽ làm việc với các đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trung tâm Thông tin du lịch/Phòng Quản lý lữ hành

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 07/8/2024

Cùng chuyên mục