Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tập huấn về thực hành du lịch có trách nhiệm
Bà Phạm Lê Thảo - Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tham gia lớp học có các hướng dẫn viên du lịch, các nhà điều hành tour, các giảng viên du lịch thuộc các trường đại học, cao đẳng về du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Phú Yên, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Phạm Lê Thảo - Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành cho biết trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực để phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, trong đó có nhiều hoạt động có ý nghĩa bao trùm và lâu dài như (1) Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển du lịch nói chung, du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh nói riêng; (2) Kêu gọi đầu tư và triển khai có hiệu quả các dự án phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, các dự án bảo vệ môi trường du lịch; (3) Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển du lịch và bảo vệ môi trường du lịch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện CITES - Việt Nam
WWF là một trong các tổ chức quốc tế có sự gắn kết, hợp tác hiệu quả với ngành du lịch trong các dự án bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Trong hai năm 2023 - 2024, cùng với CITES, WWF phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai Dự án giảm cầu ngà voi với các hoạt động cụ thể, ý nghĩa gồm: tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp lữ hành về thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã; tổ chức các lớp tập huấn cho hướng dẫn viên du lịch ở các địa bàn trọng điểm thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã; tổ chức hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã với các nước trong khu vực …
Ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Dự án giảm cầu ngà voi, Tổ chức WWF - Việt Nam
Bà Phạm Lê Thảo nhấn mạnh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và hướng dẫn viên du lịch có vai trò rất lớn, tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của khách du lịch trong việc phát triển du lịch biền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Vì vậy, việc tập huấn nâng cao vai trò, phát huy tính chủ động của doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên du lịch trong việc phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, nâng cao nghiệp vụ phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là rất cần thiết.
Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) trao đổi về định hướng và các quy định phát triển du lịch có trách nhiệm của Việt Nam
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên đã nghe đại diện WWF Việt Nam chia sẻ về sự cần thiết thực hành du lịch trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã. CITES Việt Nam gới thiệu về các quy định của CITES và pháp luật của Việt Nam về phòng chống buôn bán động thực vật hoang dã nói chung, ngà voi nói riêng. Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) trao đổi về định hướng và các quy định phát triển du lịch có trách nhiệm của Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thu Mai - Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Mở Hà Nội
Các học viên cũng được giảng viên khoa Du lịch, Đại học Mở Hà Nội tập huấn kỹ năng hướng dẫn du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã, nói không với ngà voi vì sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam và sinh kế của các bên liên quan. Cùng nhau thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã và đi trải nghiệm thực tế tại khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Kết thúc lớp tập huấn, các học viên đã hoàn thành báo cáo và được trao chứng nhận tham gia lớp tập huấn thực hành du lịch có trách nhiệm.
Trung tâm Thông tin du lịch