Các bên cần chung tay nỗ lực để hạ nhiệt giá vé máy bay, tạo thuận lợi kích cầu du lịch nội địa
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Tham dự hội thảo có đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV); đại diện một số sở quản lý du lịch; các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, du lịch; các cơ quan thông tấn báo chí…
Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Lâm Hiếu Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Lâm Hiếu Dũng cho biết giá vé máy bay tăng cao nhất là khi mùa du lịch hè nội địa sắp đến đang được dư luận xã hội rất quan tâm. Hội nghị này là dịp để các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trực tiếp chia sẻ những vấn đề liên quan đến giá vé máy bay nội địa cho công chúng và cùng tìm ra các giải pháp để hạ nhiệt giá vé máy bay.
Du lịch đã bị ảnh hưởng như thế nào khi vé máy bay tăng cao?
Ông Trần Văn Linh - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TITC
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Linh - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến Phú Quốc mà còn các địa phương khác. Tác động vì giá vé, giá dịch vụ khá cao đã làm giảm sự cạnh tranh của Phú Quốc. Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng khách đến toàn tỉnh Kiên Giang tăng gần 20%. Tuy nhiên, lượng khách đến Phú Quốc chỉ tăng nhẹ hơn 7%. Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ... để tăng cường xây dựng thêm gói dịch vụ, tăng cường xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch bằng đường bộ, đường thủy thay vì chỉ ngồi chờ hạ nhiệt giá vé máy bay.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: TITC
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, khách nội địa đến Quảng Nam bằng đường hàng không giảm sâu nhưng thống kê 4 tháng đầu năm 2024 tổng lượng khách du lịch vẫn tăng rất cao nhờ địa phương thực hiện chính sách kích cầu, tăng chất lượng nhưng không giảm giá, tăng cường quảng bá nội vùng vận chuyển bằng đường bộ, đang xây dựng cung đường di sản di chuyển bằng đường sắt qua Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, tăng cường quảng bá xúc tiến ở thị trường nước ngoài…
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Ảnh: TITC
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thông tin, giá vé máy bay chiếm khoảng 50% giá tour nên việc tăng giá vé máy bay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Ông đề nghị các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, các đơn vị dịch vụ, điểm đến cần ngồi lại với nhau để có giải pháp hữu hiệu, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên…
Giá vé máy bay tăng cao, các hãng hàng không nói gì?
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn. Ảnh: TITC
Nêu lên những nguyên nhân khiến vé máy bay nội địa tăng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết giá vé máy bay của Vietnam Airline thực sự có tăng từ 15 - 20% tùy chặng nhưng vẫn dưới giá trần xa (bằng 76% giá trần). Giá tăng là do giá nhiên liệu, chi phí thuê máy bay tăng rất cao, tỉ giá tăng, năng lực vận tải hàng không giảm do các hãng hàng không tái cơ cấu, do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney thu hồi hơn 1.000 động cơ máy bay PW1100 trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Vietnam Airlines đã hoạt động hết công suất, tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay rất cao. Hãng cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ điểm đến, các địa phương như tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, roadshow, các giải thi đấu thể thao, biểu diễn ca nhạc… Vietnam Airlines sẽ nỗ lực giảm chi phí để giảm giá thành vé máy bay nhưng cũng rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp du lịch, chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Ông cũng cho rằng hoạt động du lịch nên có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải với nhau, mỗi phương thức có thị phần khác nhau tạo ra sự phát triển hài hòa bền vững.
Ông Lê Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel Airlines. Ảnh: TITC
Ông Lê Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho biết từ đầu năm đến nay vé máy bay có tăng nhưng không giúp các doanh nghiệp đột phá trong phục hồi, tình hình tài chính của các hãng hàng không vẫn rất khó khăn. Vietravel Airlines là hãng hàng không còn non trẻ nên càng khó hơn. Hiện phần vốn của hãng đã âm vào vốn chủ sở hữu. Tài sản phải đem cho thuê, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn do yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Ông Dũng đề nghị các cơ quan quản lý xem xét nhanh chóng giải quyết các bất cập, gỡ khó cho các hãng hàng không có cơ hội tăng năng lực, hỗ trợ hạ nhiệt giá vé cho người dân và ngành du lịch.
Ông Trương Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: TITC
Ông Trương Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways đưa ra các giải pháp để hạ giá vé máy bay hợp lý như tăng cường quản trị chi phí, quản trị doanh thu. Ông đề xuất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào; Chính phủ có chính sách giảm 50% phí điều hành bay cho doanh nghiệp trong 3 năm đầu mới hoạt động nhưng do dịch bệnh Bamboo Airways chưa hưởng trọn vẹn được chính sách này đề nghị xem xét cho doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay; để có giá vé máy bay rẻ khi bay đêm cũng cần có sự hỗ trợ về thuế phí, kêu gọi các địa phương có cơ chế hỗ trợ cho các hãng hàng không...
Phó Tổng Giám đốc Thương mại VietJet Air Nguyễn Bác Toán. Ảnh: TITC
Phó Tổng Giám đốc Thương mại VietJet Air Nguyễn Bác Toán đã nêu lên những giải pháp doanh nghiệp đang áp dụng để hạ giá vé máy bay như đồng hành cùng các địa phương mở đường bay mới tới Úc, Ấn Độ…, tất cả các sân bay trong nước đều có trong đường bay của VietJet.
Ông đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ giảm phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không; các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu thay thế nhằm bảo vệ môi trường và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia với sự thống nhất và tận dụng các nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như người dân Việt Nam ủng hộ du lịch Việt Nam.
Xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách có thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi các thông tin từ hãng hàng không để có được giá vé máy bay hợp lý cũng như hỗ trợ ngành hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ, tết…
Các giải pháp hạ nhiệt giá vé máy bay từ các cơ quan quản lý Nhà nước
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch cũng nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các hãng hàng không; du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khi du lịch phục hồi cũng thúc đẩy các ngành khác phục hồi và phát triển.
Phó Cục trưởng cũng nhìn nhận đang hình thành mặt bằng giá mới trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ và ngành du lịch cần thích ứng linh hoạt.
Để giải bài toán cạnh tranh giữa hàng không trong nước và ngoài nước trong bối cảnh chi phí tăng cao cần có giải pháp từ cả ngành hàng không và ngành du lịch. Dưới góc độ ngành du lịch, Phó Cục trưởng cho biết, trong cơ cấu chi tiêu cho du lịch, chi tiêu cho vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt…) chiếm 30 - 35%, chi phí này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của khách du lịch nên để nâng cao sức cạnh tranh trong ngành du lịch, của tour du lịch trong nước so với ngoài nước, của điểm đến này với điểm đến khác thì giá tour phải được xem xét thấu đáo, trong đó có giá vận tải hàng không. Các công ty lữ hành cần tối ưu hóa chương trình tour từ lịch trình cho tới điểm đến như xây dựng lịch trình phù hợp giờ bay đêm để có giá vé máy bay rẻ, hợp lý, tránh tập trung một vài điểm đến tại thời điểm cao điểm; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh như seri booking; xây dựng các tour, các điểm đến mới sử dụng linh hoạt, tối ưu các phương tiện vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy); tăng cường truyền thông cho khách hàng về điểm đến, sản phẩm; định hướng thị trường để khách hàng có lựa chọn tốt nhất theo gợi ý, đồng thời cũng giúp giảm tải cho hàng không.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Phó Cục trưởng cho biết Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khởi xướng đã lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương, điểm đến. Cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác sâu, thực chất, hiệu quả giữa các hãng hàng không, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị dịch vụ, điểm đến… qua việc xây dụng các gói sản phẩm hấp dẫn, hướng tới khách hàng để góp phần lấp đầy các phương tiện vận tải.
Phó Cục trưởng đề nghị các chính quyền địa phương ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch ở địa phương thì cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch với các hãng hàng không.
Ông đề nghị các hãng hàng không tiếp tục nghiên cứu thị trường như phân khúc thị trường nhạy cảm về giá, cung đường điểm đến để chủ động hơn trong việc xây dựng giá thành sản phẩm.
Khẳng định quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà khách hàng được thụ hưởng nên Phó Cục trưởng đề nghị tất cả các bên cung cấp dịch vụ phải quan tâm đến vấn đề chất lượng một cách thường xuyên và lâu dài, chất lượng điểm đến (môi trường, an ninh trật tự, giá cả…) tốt thì khách vẫn sẽ ưu tiên lựa chọn.
Thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch giải quyết các vấn đề của ngành du lịch với các ngành liên quan trong đó có ngành giao thông vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới cũng như các điểm đến địa phương, cụ thể là giá cả và chất lượng dịch vụ hàng không.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm phát biểu. Ảnh: TITC
Trước những phân tích của các hãng hàng không về chi phí vận hành tăng vọt và đề xuất một số giải pháp để hạ giá vé, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Đỗ Hồng Cẩm khẳng định ngành hàng không từ các hãng hàng không đến các cơ quan quản lý nhà nước không thờ ơ với khách hàng, xã hội và các bên liên quan sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm cách hạ nhiệt giá vé máy bay cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ và độ an toàn của các chuyến bay.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Lê Thị Tuyết Nhung. Ảnh: TITC
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Lê Thị Tuyết Nhung cho biết các loại thuế (thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế giá trị gia tăng), phí, lệ phí tính trên vé máy bay có nhiều khoản nhưng đều được quy định rõ ràng, minh bạch. Với kiến nghị của các hãng hàng không, các công ty du lịch, Cục Quản lý giá ghi nhận, tổng hợp và sẽ báo cáo Bộ Tài chính để rà soát tất cả các loại phí, lệ phí, trình Chính phủ, Quốc hội giải quyết những đề xuất vượt quá thẩm quyền… để có thể góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tổng kết, ông Lâm Hiếu Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho biết qua hội thảo đã giúp người tiêu dùng hiểu thêm cơ cấu hình thành giá vé máy bay, việc tăng hay hạ giá vé là tất yếu, qua đó người tiêu dùng nên hình thành thói quen sử dụng tối ưu dịch vụ, nhất là khi mùa du lịch hè sắp đến để có thể mua được vé máy bay với giá cả hợp lý và các hãng hàng không vẫn đảm bảo được lợi ích của mình.
Lãnh đạo và các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch