Tưng bừng khai mạc Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 2 năm 2024
Toàn cảnh lễ khai mạc Lễ hội Bánh mì Việt Nam 2024. Ảnh: TITC
Tham dự có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Sở ban ngành Thành phố và các địa phương, các cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp, các cơ quan báo đài…
Có nguồn gốc từ châu Âu, bánh mì lặng lẽ xâm nhập vào đời sống, vào kho báu ẩm thực của người Việt Nam. Qua sự sáng tạo của các nghệ nhân, các đầu bếp, các chuyên gia ẩm thực, để rồi bánh mì trở lại thế giới với diện mạo mới, với phong cách mới, là một món ăn ngon hàng đầu được người Việt và du khách quốc tế đặc biệt yêu chuộng. Bánh mì trở thành điển hình hoàn hảo cho sự cởi mở đón nhận mọi trào lưu và xu hướng thế giới của nền ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Bánh mì Việt Nam luôn xuất hiện trong bảng xếp hạng các món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Gần nhất là ngày 11/3 vừa qua, chuyên trang ẩm thực Taste Atlas đã vinh danh bánh mì Việt Nam đứng vị trí số 1 trong top 100 món sandwiches ngon nhất thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. HCM Nguyễn Thị Khánh phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC
Khai mạc lễ hội, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh cho biết, việc tổ chức Lễ hội Bánh mì hàng năm minh chứng cho sự đa dạng, phong phú của bánh mì Việt, vừa ngon vừa độc đáo, được chế biến với những món ăn kèm từ nguyên liệu nông sản, gia vị từ 63 tỉnh thành trên cả nước; là dịp để người dân và du khách trải nghiệm nhiều loại bánh mì hấp dẫn; là cơ hội để các đầu bếp, các nghệ nhân, thợ làm bánh mì thỏa sức sáng tạo, trổ tài thi thố vừa là môi trường rèn luyện tay nghề để vươn xa hội nhập; chứng kiến sự giao thoa văn hóa của Việt Nam với thế giới.
Đang ở vị trí hàng đầu, bánh mì Việt cần giữ vững và phát triển hơn nữa, thay mặt Ban Tổ chức, bà Nguyễn Thị Khánh nhắn nhủ đến các cá nhân, các tổ chức, các hiệu bánh kinh doanh bánh mì hãy vì sức khỏe cộng đồng, đặt đạo đức kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu; góp phần giữ vững uy tín của bánh mì Việt, để bánh mì Việt thực sự là giá trị của ẩm thực thế giới, đó cũng là cách bảo tồn, phát triển văn hóa ẩm thực Việt.
Lễ hội cũng là lời mời gọi du khách quốc tế hãy đến khám phá Việt Nam với một kho báu ẩm thực đồ sộ với bao điều thú vị. Việt Nam không phải là quê hương của bánh mì nhưng đến đây, du khách có cơ hội được thưởng thức nhiều món bánh mì ngon nhất thế giới.
Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa. Ảnh: TITC
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa đánh giá cao ý tưởng, công tác tổ chức, nội dung chương trình lễ hội, các hoạt động chương trình đã khẳng định tính sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới; góp phần tôn vinh văn hoá ẩm thực Việt Nam quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam ra thế giới.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ lớn nhất của cả nước; là nơi hội tụ văn hóa ẩm thực phong phú, mang màu sắc của nhiều vùng miền, các địa phương trong nước và thế giới. Sự đa dạng về ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã trở thành một trong các yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng thương hiệu thu hút du khách đến Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua. Trong đó bánh mì, một thương hiệu đã gắn liền đất nước Việt Nam hiền hòa, xinh đẹp, mến khách và cũng đã trở thành thương hiệu riêng, đặc trưng của Thành phố với tên gọi thân thương là bánh mì Sài Gòn.
Chính sức hấp dẫn và sự phổ biến của bánh mì trong lòng người dân và du khách quốc tế, ngày 24/3/2011, món ăn này đã được đưa vào từ điển Oxford với nguyên vẹn hai chữ “bánh mì” thay vì dịch ra tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác. Việc sử dụng tiếng Việt để định danh món ăn này đã cho thấy, bánh mì là một phần không thể tách rời trong văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Lãnh đạo và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc lễ hội. Ảnh: TITC
Trao chứng nhận xác lập kỷ lục 150 món ăn kèm bánh mì. Ảnh: TITC
Vinh danh các thương hiệu bánh mì nổi tiếng trên 50 năm. Ảnh: TITC
Vinh danh các đầu bếp đoạt giải trong các cuộc thi thế giới. Ảnh: TITC
Nhân dịp này, Ban Tổ chức trao tặng 25 xe bánh mì khởi nghiệp cho Hội Phụ nữ của 5 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An và TP.HCM) nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
Ban Tổ chức tặng kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ và đồng hành cùng lễ hội. Ảnh: TITC
Qua 2 lần tổ chức, Lễ hội Bánh mì Việt Nam đã mở rộng quy mô và nội dung hoạt động. Diễn ra từ ngày 17 - 19/5, lễ hội năm nay thu hút sự tham gia của 85 đơn vị với 131 gian hàng gồm các thương hiệu bánh mì nổi tiếng; các nhà hàng phục vụ món ăn kèm bánh mì; tiệm bánh mì; các đơn vị cung cấp nguyên liệu, gia vị, thiết bị phục vụ cho công nghệ làm bánh mì.
Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 2 với nhiều hoạt động hấp dẫn, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách ấn tượng khó quên về ẩm thực và con người Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch