Múa trống Sadăm (Sóc Trăng)
Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Sadăm thường có từ bốn đến sáu cái trống Sadăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chum chọe) và Krap (gõ sênh).
Khi biểu diễn tiết mục múa này đòi hỏi phải có một cái sân rộng, diễn viên đứng ở bốn góc, trống đeo trước bụng và trống vừa là nhạc cụ đệm, vừa là đạo cụ để múa. Khi bắt đầu diễn, tiếng trống và cồng vang lên dồn dập, liên hồi cùng những điệu bộ rất nhịp nhàng hết quay rồi lại nhảy khá dí dỏm.
Người múa trống điêu luyện có thể đánh trống bằng một bàn tay, hai bàn tay đan chéo nhau, đánh bằng cùi chỏ,... Một số động tác phá cách như người nằm thẳng dưới sàn hai tay vẫn múa trống, hai người múa trống có thể bắt tay đánh chuyền qua trống làm cho điệu múa trống Sadăm thêm phong phú và hấp dẫn. Đặc biệt, với những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, có sức khỏe tốt và sự dẻo dai có thể biểu diễn động tác nâng trống Sadăm lên bằng miệng rất chuyên nghiệp.
Múa trống Sadăm giỏi, kỹ thuật cao là phải biết kết hợp khéo léo, hài hòa giữa âm thanh tiết tấu của trống và điệu bộ cơ thể.
Vào những ngày Lễ hội lớn, những đội múa trống Sadăm còn đeo mặt nạ với nhiều gương mặt khác nhau trông rất ngộ nghĩnh và lạ mắt.
Múa trống Sadăm còn có sự kết hợp điêu luyện của những chú khỉ Hanuman với các động tác như cười, lạy, gãi, nhảy, âu yếm,….hòa quyện rất nhịp nhàng với tiếng trống làm cho buổi diễn thêm sinh động và vui nhộn.
Thưởng thức múa trống Sadăm sẽ đem lại cho chúng ta một cảm giác thật hào hứng, sảng khoái, cười không ngớt bởi những trò trêu trọc của các diễn viên múa./.