Non nước Việt Nam

Độc đáo kiến trúc Nhà thờ Cam Ly ở Đà Lạt

Cập nhật: 20/11/2012 09:02:31
Số lần đọc: 1630
Trong không khí buổi chiều lạnh, một ngôi nhà rông lẩn khuất dưới những cây thông, gợi lên sự trầm mặc của một miền Sơn Cước (một tên gọi khác của Nhà thờ Cam Ly - số 1, Nguyễn Khuyến, phường 5, Đà Lạt).

Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo được người Pháp xây dựng ở Đà Lạt từ những năm 1920 đến 1960, Nhà thờ Cam Ly được dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái khác hẳn với các giáo đường khác. Một công trình kiến trúc độc đáo cách điệu từ mái nhà rông của đồng bào Tây Nguyên kết hợp hài hòa với kiến trúc miền Nam nước Pháp và được thể hiện theo tinh thần trường phái kiến trúc thô mộc.

 

Nhà thờ Cam Ly được xây dựng vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967, từ ý tưởng của linh mục người Pháp Boutary về một ngôi nhà chung của Chúa và Yàng. Những người tạo tác nên Nhà thờ Cam Ly đã thể hiện sự hội nhập văn hóa qua nghệ thuật kiến trúc khi thể hiện sự sùng bái chúa trời hòa nhập vào sự sùng bái Yàng. Bao trùm lên nhà thờ là mái nhà cao 17m sừng sững được kết từ 80 ngàn viên ngói lá (ngói liệt) có trọng lượng 90 tấn. Nhìn xa giống như lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời, gợi lên hình ảnh dụng cụ lao động, vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Kết cấu chịu lực chính là khung cột bê tông cốt thép để trần không tô, tường lấp xây đá kiểu dày 40cm, cao 2m, bên trên là hàng kính màu. Cột cao 3m với kích thước 20 x 50cm được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông thật ấn tượng. Để lợp mái nhà có độ dốc lớn như vậy, người ta đã cho đục lỗ vào gờ móc 80.000 viên ngói phẳng để luồn dây kẽm rồi buộc chặt ngói vào litô. Vẻ đẹp như in vào từng phiến đá, từng viên ngói rêu phong.

 

Từ chính diện, mái nhà thờ lại gợi tưởng hình một mũi tên vút lên nền trời. Trước cửa chính nhà thờ là 2 hình tượng hổ và phượng hoàng tượng trưng cho sức mạnh và sự tinh khôn, trí tuệ. Các nhà tác tạo cũng ngầm ví von các cư dân đồng bào Thượng có bản tính hoang dã như chúa sơn lâm, nhưng đã trở nên thanh dịu như chim phượng nhờ các tín đồ tôn giáo. Bước qua cửa chính, đắm mình trong không gian tôn nghiêm để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên trong nhà thờ. Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản có diện tích 324m2, trong đó 1/3 diện tích dành cho cung thánh, 2/3 diện tích còn lại là nơi dành cho tín đồ cầu nguyện. Vách trong giáo đường được thiết kế bằng những bức tường lửng xây đá chẻ có độ cao 2m, trên đó lắp các cửa kính màu xanh, nâu, vàng. Không gian được soi sáng bởi ánh sáng huyền ảo từ các ô cửa kính màu hình vuông, hình tam giác tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Các khung cửa liền nhau được trang trí cách điệu với các hoa văn dân tộc độc đáo. Trên cung thánh có một bàn thờ dài 4m, rộng 1m được làm từ gỗ thông già. Dưới cây thánh giá, trên tường đá có gắn 3 chiếc sừng trâu (vật tế lễ thần linh của đồng bào), đầu hồi phía trên cao là lỗ thông gió cũng mang hình hoa văn dân tộc…

 

Điều ngạc nhiên là bên cạnh ngôi nhà thờ tôn nghiêm, cổ kính luôn tồn tại song hành một góc rất đời thường cũng đẹp đẽ không kém. Sơ Đào (người phụ trách nhà thờ) cho biết: Từ trước khi xây dựng nhà thờ, nơi đây đã cưu mang nuôi dạy nhiều thế hệ trẻ em đồng bào dân tộc nghèo quanh vùng. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào giáo dân quanh nhà thờ được về định canh định cư tại các buôn làng thuộc xã Tà Nung – Đà Lạt, K’rèn, K’Long, Đarahoa (xã Hiệp An - Đức Trọng), nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng tu Mến thánh giá. Theo truyền thống nuôi dạy trẻ, từ năm 1990 đến nay các sơ lại đi về những buôn làng dân tộc ở Đam Rông, Di Linh đưa những trẻ em nghèo về nuôi cho ăn học từ lớp 1 đến vào đại học. Có gần 50 trẻ em đủ mọi lứa từ 6 – 18 tuổi là con gia đình đồng bào nghèo, đông con được các sơ nuôi dạy với tất cả trách nhiệm. Lứa này lớn lên vào đại học, lứa khác lại đến. Không khí ấm cúng như một đại gia đình, đứa lớn giúp các sơ chăm sóc đứa nhỏ. Đã có nhiều em tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh, có em trở về buôn làng mình làm cô giáo, y bác sĩ, có em quay lại đây cùng các sơ nuôi dạy đàn em. Như nhắc đến những đứa con của mình, sơ Đào không giấu nổi niềm vui và mong muốn giản dị: Các em có khả năng thì phải học cao hơn để là người công dân có ích, còn em nào không học được cao thì khi trở về với buôn làng, các em cũng sẽ thay đổi được nếp sống sinh hoạt, vệ sinh, nếp sống trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình, để cuộc sống của đồng bào ngày càng đổi thay…

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nhà thờ Cam Ly vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của nó như buổi đầu mới xây dựng. Đến đây, bạn không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ, mà vẻ đẹp toát lên từ tấm lòng của các sơ, các dì đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc nghèo cũng làm bạn ấm lòng trong một chiều Đà Lạt./.

Nguồn: website báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT