Hoạt động của ngành

Bến Tre: Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cù lao xứ dừa

Cập nhật: 23/11/2012 08:29:18
Số lần đọc: 2260
Có thể khẳng định các di sản văn hóa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng không chỉ là tài sản văn hóa vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là tài sản văn hóa quý giá của nhân loại. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các di sản văn hóa dân tộc là nhằm phục vụ cho lợi ích cộng đồng xã hội, đồng thời góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Ngược dòng thời gian, nhớ về lịch sử cách đây 67 năm vào ngày 23/11/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trên toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh này được coi là tiền đề để ngày 23/11/2005 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lấy làm "Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam". Như vậy, thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp giữ gìn, bảo tồn văn hóa, một yếu tố để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Cùng với dòng chảy của di sản văn hoá cả nước, di sản văn hóa trên đất cù lao xứ dừa cũng được hun đúc, kết tinh từ cội nguồn của đất nước từ thưở ông cha đi mở cõi, được những cư dân mở đất phương Nam mang theo trong huyết quản, trong phong cách ứng xử đến vùng đất mới rồi hoà quyện vào với cái cũ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử tạo nên nét văn hoá riêng của vùng đất ba dãy cù lao xứ dừa, vùng đất mà sử sách còn ghi lại là đất nê địa sình lầy, trên bờ thì đầy thú dữ nguy hiểm, dưới sông thì cá sấu nhiều vô số kể.

So với nhiều địa phương khác, Bến Tre là vùng đất mới, là tỉnh nhỏ, nhưng Bến Tre được nhiều người biết đến là một trong những vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi cất tiếng khóc chào đời của Phan Thanh Giản, người đỗ tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ Lục tỉnh thời phong kiến; quê hương của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, người biết trên 20 ngoại ngữ, có 118 tác phẩm được xuất bản; của nhà thơ Phan Văn Trị là nhà thơ bút chiến quyết liệt với Tôn Thọ Tường khi thực dân Pháp vào xâm lược Nam Bộ; và là quê hương của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.

Vùng đất này còn là nơi mà nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chọn về sinh sống và hoạt động 20 năm cuối đời của mình; nơi yên nghỉ của Sư biểu Võ Trường Toản …. Nhìn lại lịch sử báo chí bằng chữ quốc ngữ của nước ta, ba chủ bút của ba tờ báo trong những ngày đầu cũng xuất thân từ Bến Tre: Lương Khắc Ninh, chủ bút tờ "Nông Cổ Mín Đàm"; Sương Nguyệt Anh chủ bút tờ "Nữ Giới Chung"; Lê Hoằng Mưu chủ bút tờ "Lục Tỉnh Tân Văn". Sau thế hệ các nhà văn, nhà thơ này có khá nhiều tác giả nổi danh như Nguyễn Văn Vinh, Lê Anh Xuân…

Như tất cả các địa phương khác, người Bến Tre cũng thích múa hát, sinh hoạt văn nghệ, trên đồng ruộng vẫn âm vang rộn rã tiếng hò cấy lúa; trong mỗi căn nhà, những buổi trưa mùa khô oi bức, những chiều mưa bong bóng ngập sân, trong tiếng võng ầu ơ, cùng với tiếng tàu dừa tấp nhẹ xuống bờ kinh, những điệu lý, những lời hát… ngân dài êm ả như gió trên đồng lúa mỗi buổi sớm mai, lắng đọng trong tâm hồn người Bến Tre từ thuở ấu thơ chập chững nơi góc sân nhà đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Về văn học dân gian, qua khảo sát điền dã và sưu tập, các nhà khoa học đã khẳng định Bến Tre là một vùng văn học dân gian thể hiện khá nhiều thể loại, tác phẩm đáng được quan tâm nghiên cứu. Diện mạo thể loại của văn học dân gian Bến Tre vừa có những nét chung, vừa có những nét riêng. Nếu thần thoại có ít, không xuất hiện ở Bến Tre, thì truyện kể dân gian (chuyện cọp, chuyện cá sấu, chuyện ma, chuyện rắn...) hay chuyện tiếu lâm lại nở rộ nơi đây. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang từng khẳng định: “Bến Tre là một trong những cái nôi của nguồn dân ca Nam Bộ, đã góp phần rất lớn vào đời sống tinh thần, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cả nước, nhất là các cháu thanh niên”. Ca dao, vè ở đây có một trữ lượng tác phẩm phong phú; hát sắc bùa, hò đưa linh cũng được quan tâm nghiên cứu. Gia tài đồ sộ với những bài lý, điệu hò của Bến Tre vô cùng đặc sắc, bước đầu sưu tầm trên 70 điệu lý và còn lưu giữ được 57 điệu lý cùng nhiều làn điệu dân ca khác.

Ở lĩnh vực tín ngưỡng dân gian, ngoài tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển, người dân đất cù lao còn có tục tết trâu của vùng trồng lúa nước (dân gian gọi là Lễ Kỳ yên); tết vườn, tết ông chuồng, bà chuồng với người dân làm nghề vườn và chăn nuôi…

Với nghệ thuật tạo hình dân gian, những ngôi nhà của các địa chủ có tiếng ở Bến Tre như: Hương Liêm (tức Huỳnh Ngọc Khiêm), Phủ Kiểng (tức Nguyễn Duy Hinh), tạm đặt ra ngoài thái độ chính trị và sự bóc lột người dân lao động của gia chủ, thì đó là những công trình đáng lưu tâm khi xem xét kiến trúc cổ truyền tại đây. Hoặc kiến trúc nghệ thuật của đình Bình Hòa, đình Phú Lễ, đình Tân Thạch, hay lễ hội đình làng, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn dân gian, trang phục dân gian,…

Có thể nói, văn hóa dân gian hay di sản văn hóa nói chung ở Bến Tre khá phong phú và có bề dày truyền thống, góp phần không nhỏ vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc nước ta.

Nhiều năm qua, các di sản văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể trên đất cù lao xứ dừa đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tổ chức nhiều hoạt động để giữ gìn, phát huy giá trị. Điều đó được minh chứng là sự hiện hữu của 14 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, 10 di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh, hơn 50 bia, tượng đài, gần 200 ngôi đình làng, hàng trăm ngôi chùa, miếu và 155 đền thờ liệt sỹ. Mỗi một công trình văn hóa cổ hay hiện đại đều mang ý nghĩa riêng và phong phú về kiến trúc xây dựng. Các di tích cấp quốc gia đều đã được Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh đầu tư tôn tạo, trong đó tiêu biểu như: Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, di tích Mộ Võ Trường Toản, di tích nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây da đôi - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Bến Tre, di tích Mộ Võ Trường Toản, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa, đình Phú Lễ, đình Tân Thạch, di tích lịch sử Đồng Khởi, di tích căn cứ Quân khu ủy Sài Gòn- Gia Định,… Nhân dân cũng đã có nhiều đóng góp cho việc trùng tu chống xuống cấp ở các di tích như: chùa Tuyên Linh, các đình làng. Đặc biệt, nhiều tầng lớp nhân dân, cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh đã có nhiều đóng góp để xây dựng Khu tưởng niệm và đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ Phó chủ tịch nước Huỳnh Tấn Phát, đền thờ trung tướng Đồng Văn Cống.

Tại Bảo tàng Bến Tre còn có bộ sưu tập trưng bày lịch sử đấu tranh cách mạng tại địa phương, trưng bày thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh giai đoạn 1975 đến nay. Những năm gần đây đã phát hiện và tổ chức khai quật di chỉ Giồng Nổi tại xã Bình Phú, thành phố Bến Tre; di chỉ khảo cổ An Phong, xã An Thạnh, Mỏ Cày Nam, đã thu được nhiều hiện vật bằng đá, gốm, xương có giá trị lịch sử. Theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học các hiện vật có niên đại cách ngày nay từ 2.500 đến 2.000 năm.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể tuy còn rất mới mẻ, nhưng từ những năm 1979 - 1981, tỉnh cũng đã phối hợp với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang tổ chức sưu tầm và in thành sách "Dân ca Bến Tre", sau đó tiếp tục sưu tầm bổ sung và tái bản vào năm 2000. Từ năm 1996 đến nay trong chương trình mục tiêu quốc gia và một số đề tài của địa phương cũng đã quan tâm bảo tồn văn hóa phi vật thể, theo đó Sở VHTTDL đã thực hiện được một số chương trình như: năm 1996 nghiên cứu đề tài "Văn học chữ viết Bến Tre"; năm 1998 "Diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ"; năm 1999 "Lễ hội Đu bầu và các trò chơi vận động dân gian huyện Giồng Trôm"; năm 2000- 2001 "Tang lễ Người già Bến Tre"; năm 2002-2003 "Gìn giữ cho muôn đời sau các làn điệu dân ca Bến Tre"; năm 2004 "Tổng điều tra di sản văn hóa Phi vật thể tỉnh Bến Tre"; năm 2005 làng nghề "Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc", "Bến Tre với văn hóa ẩm thực" và "Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre"; năm 2006 "Đình làng Bến Tre các giá trị văn hóa"; năm 2007 "Dừa trong văn hóa ẩm thực Bến Tre"; năm 2008 "Tổng điều tra nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bến Tre"; năm 2009 "Nghề đan lát tỉnh Bến Tre", "Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre"; năm 2010 "Múa bóng - Rỗi Bà trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bến Tre"; năm 2011 "Bánh dừa Giồng Luông" và năm 2012 "Di sản văn hóa phi vật thể miệt vườn Chợ Lách".

Hiện tại, một số dự án đã được triển khai như: "Bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển" tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; trưng bày lại nhà truyền thống Đồng Khởi; tôn tạo và đưa vào sử dụng dự án di tích "Căn cứ quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định"; triển khai trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa và Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm); quy hoạch "Làng Du kích" liên hoàn với khu di tích Đồng Khởi, xã Định Thủy,... Các công trình thực hiện với phương thức đầu tư đa dạng; xây dựng quy hoạch tượng, tượng đài, bia, di tích lịch sử, đền thờ danh nhân đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Có thể khẳng định, di sản văn hóa trên đất cù lao xứ dừa là hành trang của những lưu dân người Việt mang theo xuống phương Nam từ thuở đi mở đất. Trong hành trang đó, những điệu hát, những bí quyết nghề nghiệp, y thuật, những tri thức trong xây dựng, kỹ thuật canh tác, ..., đã được những lưu dân Việt chọn định cư trên mảnh đất ba dãy cù lao xứ dừa này và những sáng tạo về văn hóa của họ đã hình thành những ngôi đình vững chắc về cấu trúc, kiến trúc xây dựng, cũng như độc đáo về nghệ thuật chạm khắc gỗ....

Các làng nghề truyền thống đặc trưng của riêng vùng đất xứ dừa cũng là những đặc sản nổi tiếng cả nước, như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; kẹo dừa Mỏ Cày; rượu Phú Lễ; nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo cây giống và cây kiểng nổi tiếng,... Những điều đó tạo cho người dân nơi đây sự tự hào và gắn bó mật thiết với quê hương xứ sở.

Tiếp nối, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ tiền nhân, trải qua mỗi giai đoạn lịch sử nhiều thế hệ người Bến Tre luôn có tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và luôn trong tư thế sẵn sàng mở cửa để đón nhận tinh hoa văn hóa của các vùng, các địa phương khác, tạo nên những kỳ tích trong lao động xây dựng quê hương, biến vùng đất cù lao nê địa đầm lầy thành những làng mạc trù phú và sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước, quê hương, để giữ gìn nét đẹp văn hoá của ông cha truyền lại.

Nhiều năm qua Đảng và chính quyền các cấp, các ngành, đã quan tâm đầu tư, nhất là ngành văn hóa đã có nhiều kế hoạch, chương trình bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích trên toàn tỉnh. Sau khi các di tích được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh, tạo ra những tuyến, tour, điểm đến du lịch khá hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Các điệu múa, điệu hát, lễ hội, làng nghề truyền thống, chữ viết, diễn xướng dân gian của cư dân Bến Tre đã được điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa, bảo tồn và hòa vào cộng đồng đại gia đình dân tộc Việt Nam. Điều đó đã tạo ấn tượng tốt và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng qua các cuộc triển lãm giới thiệu về di sản văn hóa vùng, miền, khu vực.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Bến Tre cũng đã góp phần tạo ra những dấu ấn đặc biệt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bến Tre đến với mọi người trong và ngoài nước. Là người dân Việt Nam nói chung hay Bến Tre nói riêng, chúng ta đều tự hào với kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

Nguồn: website Bến Tre

Cùng chuyên mục