Tuyên Quang: Nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch có thương hiệu
Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế… nên chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và uy tín trong kinh doanh đầu tư vào. Các tuyến du lịch đã được quy hoạch, song thực tế các công ty, chi nhánh lữ hành trên địa bàn tỉnh hoạt động còn kém hiệu quả, chưa liên kết được với các công ty lữ hành ngoài tỉnh để thực hiện theo tua, tuyến đã được quy hoạch. Các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển du lịch chưa được ban hành… Những nguyên nhân đó dẫn đến các sản phẩm du lịch thiếu tính đa dạng, chưa định hình được những sản phẩm mang thương hiệu.
Mục tiêu đến năm 2015, Tuyên Quang đón trên 1 triệu lượt khách; phấn đấu doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch đạt gần 1 nghìn tỷ đồng; phát triển trên 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao trở lên, trong đó ít nhất có 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao trở lên; tạo việc làm cho 8.800 lao động. Để đạt được điều đó, một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài đang được đặt ra đối với các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm thế nào để người dân, nhất là dân ở trong vùng di tích phải sống được bằng dịch vụ du lịch.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc vừa qua được tổ chức tại tỉnh, khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Xuyên, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam nhận định, sản phẩm du lịch trước hết là một sản phẩm văn hóa. Hai loại sản phẩm này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, Tuyên Quang cần tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa kết hợp với việc giáo dục truyền thống yêu nước cho khách nội địa. Cụ thể, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các ấn phẩm báo chí, tạp chí du lịch; sử dụng Internet để quảng bá các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch; sử dụng kỹ thuật marketing truyền miệng; tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch…
Theo nhận xét của nhiều khách du lịch ngoài tỉnh, trong đó có nhận xét của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí du lịch ở Trung ương và tỉnh bạn, những năm gần đây, Tuyên Quang đã được nhiều du khách nhắc đến bởi có những lễ hội và hoạt động văn hóa du lịch hấp dẫn như lễ hội đường phố trong dịp Tết Trung thu, hội chọi trâu, hội Lồng Tông, du lịch văn hóa tâm linh... Điều đó khẳng định tiềm năng du lịch ở Tuyên Quang là rất lớn. Tỉnh cần phát huy những ưu thế để níu chân du khách, quảng bá và tạo dựng thương hiệu du lịch đặc trưng. Song bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu, phát hiện và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Về lâu dài cần đặt ra mục tiêu không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà mạnh dạn hướng tới khách du lịch nước ngoài. Đối với các tua du lịch trong vùng, phải hướng đến việc du khách có thời gian lưu trú tại tỉnh lâu ngày.
Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quảng bá và xúc tiến du lịch tại Hà Nội vào đầu năm 2013; làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Du lịch hoài niệm để cho ý kiến về kinh nghiệm cũng như kế hoạch phát triển du lịch tiếp theo của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tiến hành ký hợp đồng với các công ty du lịch ngoại tỉnh để đưa khách du lịch đến Tuyên Quang, qua đó hình thành các gói du lịch. Đồng thời tiếp tục hoàn thành quy hoạch tổng thể Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, lập các dự án đầu tư cho tương xứng với tầm vóc lịch sử./.