Tuyên Quang: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Tuyên Quang là mảnh đất lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của 22 dân tộc anh em, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Từ những làn điệu dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng của dân tộc Tày, Páo dung của dân tộc Dao, Sình ca của dân tộc Cao Lan, Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… đến những lễ hội dân gian như lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày; lễ hội đình làng Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn); lễ rước mẫu (TP Tuyên Quang); lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình); lễ cầu mùa, cấp sắc của dân tộc Dao… đã trở thành nét đặc sắc, độc đáo của Tuyên Quang, hấp dẫn du khách thập phương.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhất là tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số. Những câu chuyện cổ dân gian mang tính truyền miệng đang dần trở nên xa lạ trước sự lấn át của văn hóa ngoại lai.
Tiếng nói là linh hồn của mỗi dân tộc nhưng đến nay ở một số dân tộc thế hệ trẻ không thể nói được tiếng mẹ đẻ của mình. Người dân tộc Cao Lan ở các xã Nhữ Khê, Nhữ Hán, Phú Lâm (Yên Sơn); người Tày ở các xã Trung Yên, Bình Yên, Minh Thanh, Tân Trào (Sơn Dương) hiện nay gần như "mất gốc"… Điều này thực sự trở thành rào cản lớn trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhất là những làn điệu dân ca, dân vũ.
Một số phong tục tập quán của các dân tộc cũng đang dần bị mất đi. Trong đám cưới của dân tộc Tày dường như thiếu vắng vai trò của ông Quan làng, bà Gia hạp; không còn thấy hát đối của người Cao Lan... mà thay vào đó là những ca khúc nhạc trẻ “thị trường”. Cũng trong đám cưới không còn thấy cô dâu chú rể mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình mà chạy theo váy Tây, "mốt" thời thượng...
Bảo tồn giá trị các di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng của các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ dân gian. Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta vẫn chưa có chính sách đãi ngộ dành cho họ. Sự truyền dạy của họ cho thế hệ sau là vì tình yêu, niềm tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình.
Biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Tỉnh đã đầu tư thực hiện phục hồi, tôn tạo 110 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. Một số di tích đã được bảo tồn, tôn tạo như Khu di tích Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; Khu di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương); Khu di tích Đại hội II của Đảng tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa); lán làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan (Yên Sơn)… Đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ, gắn việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa với phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Nà Hang và Lâm Bình tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 50 xã, thị trấn. Đối tượng kiểm kê thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trên cơ sở kiểm kê, sở đã lựa chọn và lập danh sách 21 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cờ Lao, Pà Thẻn… Hiện nay, sở đang triển khai lập dự án “Phục hồi, bảo tồn di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh”, giai đoạn 2012 - 2015; triển khai thực hiện Dự án phục hồi, tôn tạo Khu di tích cách mạng Lào tại Làng Ngòi và Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn); tu bổ, chống xuống cấp đình Hồng Thái, đình Tân Trào (Tân Trào); đình Thanh La (Minh Thanh) thuộc huyện Sơn Dương; tiếp tục triển khai các bước lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể hát Then của dân tộc Tày để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; thu thập, sưu tầm, ghi chép lại các dạng thức văn hóa, những kỹ năng, tri thức do các nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật.
Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa, phát triển đội ngũ hạt nhân văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn và lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với con cháu mai sau; tạo nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhân dân./.