Non nước Việt Nam

Rối nước Đồng Ngư, nét đặc sắc văn hoá miền Kinh Bắc

Cập nhật: 05/12/2012 09:51:46
Số lần đọc: 2243
Làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là ngôi làng cổ nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc. Làng nằm bên bờ sông Dâu, cận kề chùa Dâu và thành cổ Luy Lâu, là quê hương lâu đời của một loại hình văn hóa dân gian độc đáo, đó là nghệ thuật múa rối nước.

Cho dù qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật rối nước làng Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn hoạt động với nhiều hình thức, tiết mục đặc sắc, phong phú. Rối nước truyền thống Đồng Ngư có nhiều chương trình biểu diễn tại các địa phương, đơn vị và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ khán giả trong nước và quốc tế. Nét đặc sắc và riêng có của nghệ thuật rối nước Đồng Ngư là hầu hết các tích trò đều sử dụng lới hát dân ca Quan họ.

Các cụ ở làng Đồng Ngư nay kể lại, nghề rối nước Đồng Ngư được các thế hệ truyền lại có từ cuối thời Lý, tuy nhiên chưa có tài liệu nào ghi cụ thể. Phòng truyền thống của phường rối nước làng Đồng Ngư, nhìn ra Thủy đình ở giữa ao lớn, trung tâm làng. Dân làng còn lưu giữ, thờ một bức tượng Tổ trò của làng. Cụ Nguyễn Đăng Duy, phường trưởng phường rối Đồng Ngư kể: Tổ trò là người có công truyền dạy trò múa rối cho dân làng và được nhân dân tôn làm Thánh tổ tiên sinh. Ngày mất của ông là ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm và ngày này trở thành ngày Giỗ tổ trò của làng. 

Các cụ Nguyễn Bá Khoảng và Nguyễn Đăng Phải đã gắn bó lâu năm với rối nước kể: Từ xưa biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư tổ chức tại Thủy đình của làng. Thường tổ chức vào ngày hội Đình, hội Đền vào giữa tháng 3 và 4 âm lịch. Trước khi bước vào biểu diễn phường rối phải làm lễ xin phép Tổ nghề và Thành hoàng làng. Nghi lễ trang nghiêm do một người uy tín của phường rối đảm nhiệm. Mở đầu buổi biểu diễn múa rối làng Đồng Ngư có hình tượng cụ già là một con rối đặt ở nóc nhà thủy đình đảm nhiệm vai trò dẫn truyện. Có giai đoạn đến vài chục năm nghệ thuật múa rối Đồng Ngư mai một. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Phường rối nước Đồng Ngư được thành lập - Các bậc cao niên ở làng cho biết.

Trong nghệ thuật rối nước dân gian, Đồng Ngư có nhiều nét nét độc đáo riêng có. Các diễn viên rối Đồng Ngư làm chủ khoảng bốn năm chục tiết mục múa rối nước. Một buổi diễn. thường sau màn Tễu dạo đầu là các tiết mục chăn trâu thổi sáo, cấy cày, múa rồng, chọi trâu, câu ếch, cày bừa cấy hái, đánh cá úp nơm, hát văn, rước kiệu, đánh đu mời trầu, hát quan họ… đậm nét văn hóa làng quê Kinh Bắc. Làng Đồng Ngư có nghệ thuật chế tác con rối cho các tiết mục biểu diễn rất đa dạng, tinh xảo và hoàn hảo. Con rối Đồng Ngư thường làm bằng các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối hay gỗ sung. Phường rối Đồng Ngư đã sáng tạo, chế tác được hơn 200 loại quân rối để biểu diễn. Các nhân vật rối được điều khiển bằng sào và dây. Cụ Nguyễn Bá Đổng, một diễn viên biểu diễn rối nước của làng từ năm 1958 tâm đắc: Đồng Ngư là một trong số ít phường rối giữ được kỹ thuật thuật máy dây và máy sào để tạo sự di chuyển và hành động cho con rối. Kỹ thuật máy dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao. Với kỹ thuật này, người điều khiển có thể đưa rối ra xa sân khấu biểu diễn từ 5 đến -7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối. Cùng với kỹ thuật máy sào các con rối Đồng Ngư chuyển động linh hoạt, sống động, đặc biệt có hồn. Trong quá trình biểu diễn, người biểu diễn đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật. Ngoài ra, phường rối còn sử dụng các nhạc cụ như trống, tù và, mõ. Sau này, những nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh, các làn điệu dân ca quan họ được đưa vào sử dụng để tạo không khí cho các buổi biểu diễn… Chính phong cách biểu diễn này của Phường rối Đồng Ngư gây được sự hứng khởi, cuốn hút khán giả .

Có một câu chuyện vẫn nhiều người dân Đồng Ngư nhắc lại: Vài năm trước, Phường rối Đồng Ngư có nhiều khủng hoảng về tổ chức cũng như trang thiết bị để biểu diễn tại chỗ và lưu diễn. Lại thêm do làng phát triển của nghề thu mua phế liệu, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, khách du lịch tìm về Đồng Ngư để xem biểu diễn rối nước ngày càng thưa vắng. Chính lúc đó, diễn viên trẻ Nguyễn Thành Lai, đã tìm hướng đi mới nhằm bảo tồn và quảng bá rối Đồng Ngư. Anh đứng ra thành lập Công ty TNHH rối nước Thuận Thành và Đoàn nghệ thuật rối nước Luy Lâu. Anh cùng các thành viên của gia đình vừa quản lý, tổ chức biểu diễn và kiêm luôn diễn viên. Vốn từng là thợ mộc, thợ cơ khí , anh Lai đảm nhiệm luôn công đoạn từ chế tác con rối, đến tự thiết kế và lắp Thủy đình cơ động. Đoàn rối nước Luy Lâu khá ăn khách, được nhiều địa phương mời diễn với mỗi năm hàng trăm suất diễn. Nhiều lần anh tự cả đánh xe chở “Đoàn gánh rối gia đình’’ về Hà Nội và sang tỉnh bạn lưu diễn. “Cho dù thu nhập không cao, nhưng mình quảng bá được rối Đồng Ngư tới nhiều địa phương trong cả nước”- anh tâm sự.

Một thập kỷ qua, Phường rối Đồng Ngư cùng Đoàn Nghệ thuật rối nước Luy Lâu (rối Đồng Ngư) đã tham gia nhiều Liên hoan múa rối và đạt được giải cao. Nổi bật là giải Nhất trong Liên hoan nghệ thuật múa rối không chuyên năm 2002 (tại Hà Nội); giải Nhì Liên hoan múa rối nước tại Liên hoan múa rối ở Huế năm 2004; Giải Nhì Liên hoan múa rối toàn quốc lần thứ nhất năm 2011 tại Hải Dương. 

Nguyễn Thành Lai, là người đam mê và luôn nuôi ước vọng bảo tồn nghệ thuật rối truyền thống. Trong khu vườn rộng của gia đình giữa làng anh quy hoạch sân khấu biểu diễn rối nước. Một nếp nhà Thủy đình lớn bằng gỗ quý và Thủy đình di động do anh tự chế tác đã hoàn thành, được xếp gọn trong kho. Bên cạnh là dãy nhà xưởng chế tác con rối. Dự án Khu bảo tồn nghệ thuật rối truyền thống Đồng Ngư (Luy Lâu) của anh Lai đang dần hiện hữu tại làng Đồng Ngư. Một tín hiệu vui khác, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn múa rối nước của làng, mới đây tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT