Non nước Việt Nam

Lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bà Ni - Ninh Thuận

Cập nhật: 27/11/2012 16:40:10
Số lần đọc: 2494
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, sáng 24/11 tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Phong tục Chăm Ni tỉnh Ninh Thuận đã tái hiện Lễ trưởng thành (lễ nhập đạo) của thiếu nữ Chăm Bà Ni.

Lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bà Ni (hay còn gọi Lễ Karơh) nói riêng cũng như người Chăm nói chung là một nghi lễ quan trọng, đặc sắc và ấn tượng nằm trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Chăm Ninh Thuân.


Vòng đời người với một chuỗi lễ hội như: Lễ cầu khai hoa nở nhụy được bình yên; lễ đầy tháng; lễ thôi nôi; lễ trưởng thành của thiếu nữ; rồi lễ hỏi, lễ cưới; lễ lên lão…, Nhưng có lẽ Lễ trưởng thành cho thiếu nữ là cuộc lễ quan trọng nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong mỗi con người. Bởi đây là thời kì chuyển tiếp tuổi trưởng thành của thiếu nữ để chuẩn bị bước vào tuổi hôn nhân, khi mà họ được cả cộng đồng làng, tôn giáo của mình công nhận mình đã lớn. Sau nghi lễ này người thiếu nữ có thể tự do yêu đương và lựa chọn bạn đời.

 

Theo ông Từ Công Dư, Phó Chủ tịch Hội đồng sư cả Chăm Bà Ni, tỉnh Ninh Thuận, Thầy cả thực hiện nghi thức lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm: Lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bà Ni được tổ chức cho các thiếu nữ Chăm từ 9 – 15 tuổi, khi các em chưa có kinh nguyệt. Lễ được tổ chức trong 3 ngày vào tháng 3, 8, 10 theo lịch Bà Ni. Ngày thứ nhất là chuẩn bị các lễ vật. Ngày thứ hai chuẩn bị bánh trái và làm lễ chứng kiến ra mắt, báo trước cho ông bà tổ tiên. Ngày thứ ba, là ngày chính đi vào nghi lễ chính thức; các thiếu nữ sau khi tắm rửa và trang điểm sẽ được đến Thánh đường để làm nghi lễ và cúng dâng cho Thượng đế. Số lượng thiếu nữ được làm lễ trưởng thành đều theo con số lẻ như 3, 5, 7 thiếu nữ.

 

Để chuẩn bị cho buổi lễ, mọi người trong nhà nấu các món cúng lễ sửa soạn các lễ vật, trang trí lại nhà lễ. Sau khi chuẩn bị sửa soạn lễ xong, Thầy cả sư gọi thứ tự từng thiếu nữ bước vào nhà lễ chính để làm thủ tục, cắt tóc. Tóc của các thiếu nữ được cắt hai lần, giữa trán, và hai bên. Lần đầu tiên cắt tóc để thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành, lần thứ hai để thể hiện lòng tôn kính đối với thánh Allah. Nghi lễ này có sự chứng kiến của 1 bé trai (gọi là nưk pô thìh). Chứng kiến rằng 3 thiếu nữ này đã được cắt tóc nhập đạo Bà Ni và đã được Pô loak chứng giám. Đứa bé trai này thường là trẻ sơ sinh. Đứa trẻ này sau khi lớn lên, khi làm đám cưới sẽ được tổ chức một đám cưới đặc biệt hơn so với những thanh niên khác. Các thiếu nữ ngồi trong nhà lễ chính và được các vị chức sắc làm phép, đọc kinh để mời Pô loak về chứng giám. Các thiếu nữ lần lượt lạy: lạy chức sắc, cha mẹ, tổ tiên, người thân để mọi người công nhận kể từ lúc này, họ đã là người trưởng thành, tức là được đạo công nhận là người lớn. Lúc này, người thân sẽ lì xì bằng hiện vật như: tiền, vàng, trâu bò, dê cừu…, hoặc là chúc những câu chúc tốt lành cho các thiếu nữ. Những món quà được lì xì sẽ được để trong 1 cái thau và sẽ được thầy cả sư làm phép sau đó đưa cho các thiếu nữ giữ. Và đây là những của cải bước đầu, xem như là của hồi môn, cha mẹ và người thân không được lấy dùng mà để làm của cải cho con cái mình sau này khi đến tuổi lập gia đình.

 

Sau lễ lạy của các thiếu nữ và người thân mừng duyên cho các thiếu nữ xong, các thiếu nữ quay trở về vị trí nhà lễ trang điểm lúc đầu để các vị chức sắc tiến hành cúng. Lúc này người nhà dọn các lễ vật được chuẩn bị sẵn sàng. Các món cúng được bày trên cái mâm cao là 7 cái: 3 cái cho 3 thầy chức sắc, 3 cái cho 3 thiếu nữ và 1 cho bà bóng. Cúng ngọt trước và mặn sau. Món ngọt gồm: bánh, trái cây, chè, xôi, chuối; Món mặn gồm: Cơm, canh, thịt, cá…Thầy cúng đọc kinh và cúng lần lượt các mâm ngọt đến mặn, sau đó các thiếu nữ cũng được dùng các món như các vị chức sắc và bà bóng.

 

Kể từ lúc này, các thiếu nữ đã có 1 vị trí quan trọng trong đạo giáo, đã là người trưởng thành, đã được đạo Bà Ni công nhận và đã có quyền được kết hôn./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT