Lễ ăn lúa mới của người Ba Na ở Kon Tum
Trước đây, theo phong tục người Ba Na trước ngày lễ, người chủ gia đình đi cùng người nhà lên rẫy, không quên mang theo một cuộn dây mây vì là vật quan trọng sẽ chỉ đường cho hồn lúa về đến kho thóc của gia đình. Họ bắt đầu căng dây từ rẫy thiêng, nơi chủ nhà đã trồng sẵn một cây tre vót tua cao khoảng 2m được quét máu gà, trên có giắt vài sợi lông gà và kéo sợi dây về thẳng kho thóc gia đình. Tùy vào khoảng cách từ rẫy về kho lúa xa hay gần mà sợi dây được chuẩn bị dài hay ngắn, nhưng đường trên rẫy về nhà thông thường là con đường ngoằn ngoèo lên việc giăng dây quả là vất vả. Thường là người vợ sẽ cầm cuộn dây đi sau còn chồng sẽ đi trước tìm những gốc cây lớn để buộc dây cố định để dây khỏi vướng và dễ bị đứt, cứ như vậy kéo về đến kho lúa của gia đình.
Mặc dầu không còn tục lệ giăng dây từ rẫy về kho lúa nhưng người Ba Na ngày nay vẫn chú ý kiêng cữ cẩn thận. Sau khi làm lễ xong là họ đi thẳng về nhà mình, không ghé vào bất cứ nơi nào, nếu rẫy có những ngã rẽ, ngã ba đường, người chủ thường hái vài bông cỏ hay nhánh cây cắm xuống đấy để làm dấu chỉ đường cho hồn lúa đi không bị lạc. Nếu phải băng qua suối hoặc mương thì họ sẽ tìm một sợi dây hay một khúc cây nhỏ tượng trưng cho cây cầu bắt để hồn lúa đi qua dễ dàng hơn. Về đến kho lúa người chủ nhà lại dựng một cầu thang bằng tre để hồn lúa lên kho.
Như vậy, từ lúc đó hồn lúa đã về kho lúa của gia đình không còn trên rẫy thiêng nữa. Về đến nhà, người chủ gia đình lại bắt một con gà cắt tiết đựng trong ống lồ ô và lại làm một cây sol cắm vào cửa chính của nhà mình, đồng thời lấy dao khoét một lỗ nhỏ trên cửa chính, rồi cẩn thận lấy tiết gà quét lên xung quanh lỗ tròn đó để thần lúa vào nhà (theo người Ba Na đó là lối đi dành cho Yàng Sri vì thần không bao giờ đi vào cửa chính như người thường), ông cũng không quên lấy tiết gà quét lên cây tre và bông sol với dụng ý xua đuổi những cái xấu xa đến nhà và là từ nay Yàng Sri đã đến thăm, đến hưởng lễ với gia đình nên mọi thành viên trong gia đình cố gắng giữ gìn lời ăn tiếng nói và cách ứng xử cho phải phép vì đang có “khách quý” trong nhà.
Sáng sớm hôm sau, bà chủ nhà mang theo chiếc gùi nhỏ lên thẳng rẫy thiêng, nơi những bông lúa đã chín vàng, bà chọn những bông lúa sai trĩu hạt, tuốt từng bông lúa mọt cách cẩn thận cho đầy chiếc gùi rồi nhanh nhẩu trở về nhà.
Về đến nhà, cũng chính bà đảm nhiệm công việc xảy lúa cho sạch rồi đem lúa rang chín để những hạt lúa nổ thành bỏng trắng. Sau đó đem giã và sàng sảy cho sạch trấu, sản phẩm thu được là những hạt cốm thơm lừng hương lúa mới và được người Ba Na gọi là “Mok”
Trong khi đó, người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc bắt một con gà đem cắt tiết đổ vào một ống lồ ô chuẩn bị sẵn, lấy gan gà bỏ vào chiếc giỏ thiêng rồi đem cả hai cột vào ghè rượu đã mở nắp được đặt sẵn sàng ở giữa nhà hoặc nơi cột thiêng. Sau khi công đoạn làm Mok đã xong, người vợ sẽ đem đến bỏ vào chiếc giỏ thiêng đã có sẵn gan gà và họ bắt đầu tiến hành làm lễ.
Lễ cúng Yàng Sri thường là trách nhiệm của người phụ nữ nên bà chủ nhà sau khi xem xét lại một lượt các lễ vật xong, với sự thành kính bà đọc lời khấn: “Ơ thần Lúa, người tạo ra lúa gạo và các loại cây trồng, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn thần đã ban cho chúng tôi lúa gạo để ăn, chúng tôi mời thần xuống chứng kiến những lễ vật chúng tôi đã chuẩn bị dâng cúng thần, mong thần nhận lấy…”
Sau khi cúng xong, số Mok còn lại được chia cho mỗi thành viên trong gia đình cùng ăn. Và bà chủ nhà sẽ uống cang rượu cần đầu tiên rồi kế đến là các thành viên trong gia đình theo thứ tự lớn nhỏ truyền tay nhau uống rượu thiêng đã cúng Yàng Sri.
Ngày hôm sau, cả gia đình sẽ bắt tay vào thu hoạch lúa, họ tập trung tuốt lúa trên mảnh rẫy lớn, sau đó mang về đổ vào kho, còn rẫy thiêng thường được để lại thu hoạch sau cùng.
Lúc mảnh rẫy lớn đã được tuốt xong, người phụ nữ gia đình mới bắt tay vào thu hoạch rẫy thiêng. Họ cẩn thận chọn những bông lúa dài, trĩu hạt, chắc mẩy để làm giống cho mùa sau và số lúa này cất riêng không để lẫn các gùi lúa khác. Phần còn lại trên rẫy thiêng sẽ được tuốt và làm sạch, nó được dùng trong dịp lễ mừng năm mới sẽ được tổ chức long trọng cho cả cộng đồng làng sau khi vụ mùa đã hoàn tất.
Khi lúa đã được đưa về kho, được phơi và cẩn thận cất vào kho. Việc thu hoạch mùa trên nương cũng đã xong, từng gia đình lại tổ chức một lễ riêng để cảm tạ thần Lúa, đó là lễ đóng cửa kho lúa (Et tet măng sum). Lễ vật dâng thần Sri bao giờ cũng có rượu, gà và những năm được mùa, nhiều gia đình giàu có còn hiến sinh cả lợn và trâu để cảm ơn thần Lúa đã cho một mùa bội thu và mong năm sau tiếp tục được mùa và mời cả làng đến tham dự.
Như vậy, một năm lao động vất vả đã kết thúc, mọi người nghỉ ngơi và đợi ngày đón mừng năm mới hay còn gọi là Lễ hội ăn lúa mới sẽ được tổ chức quy mô trong cộng đồng./.