Lễ hội Pang dâng cốm của người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên)
Chuẩn bị cho lễ Pang dâng cốm
Việc chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành ngay từ khi bắt đầu vụ lúa mới cho đến khi thu hoạch.
Cấy lúa: Các nhà thầy, then ở cấp làm Pang thường lấy thửa ruộng tốt nhất để cấy lúa nếp cái. Trước khi cấy lúa một ngày, mời con rể hoặc con rể nuôi cùng con trai trong nội tộc nhà thầy đến nhổ mạ và chuyển mạ ra ruộng. Những nàng then (vợ của các thầy then trong vùng), con cháu nội ngoại nhà then, các nàng hương, nàng khiển... trẻ, đẹp đã được then chủ chọn thực hiện việc cấy lúa.
Từ sáng sớm, nàng then chủ cấy mở đầu vài khóm, sau đó những người đến cấy giúp cùng cấy. Khi đám ruộng chủ cấy lúa làm cốm đã cấy xong, chủ nhà (thầy cúng, then) cùng hai người giúp việc mang lễ vật đã nêu trên ra mô đất tại thửa ruộng cấy lúa làm cốm để cúng thần thổ địa, thần khai hoang và hồn lúa.
Gặt lúa làm cốm: Khi lúa đã vàng đuôi bông, nhà thầy mời tất cả những người tham gia cấy đến gặt lúa, làm cốm. Họ mang theo một gánh củi khô nhỏ giúp nhà thầy sấy cốm, một con gà làm thực phẩm giúp nhà thầy ngày làm cốm.
Tầm cuối giờ Mão, đầu giờ Thìn, nàng then mặc bộ đồ mới dẫn đầu đoàn thợ giúp gặt, đến thửa ruộng cấy làm cốm. Nàng khoác bên vai một cái xổng hoa nhỏ đựng một số lễ vật. Đến mô đất cúng ma ở thửa ruộng, nàng mở vuông vải ra, bày tất cả các lễ vật, thắp nến, cắm hương, rót rượu, nước và chắp hai tay cúng nàng lúa. Khi gặt, chỉ chọn gặt những bông to, mẩy, vàng đuôi đủ cho lễ Pang, gánh về nhà then. Bà chủ dọn lễ vật, nhặt 5 bông lúa gặt đầu tiên, gài lên đòn gánh đi sau cùng.
Sấy cốm: Trong lúc chị em đi gặt lúa cốm, đàn ông ở nhà khơi lò, chẻ lạt, bổ củi, làm sàn gác sấy cốm, chuẩn bị cối, máng chày tay... để tổ chức đêm hội. Cốm được rang trên tấm sàn miệng lò, dùng hai que cời đảo cho hạt lúa chín đều, vừa lửa. Cốm sấy xong phải mềm, có mùi thơm dịu.
Giã cốm: Đây là công đoạn quan trọng trong hội Pang dâng cốm, mang ý nghĩa là hiệu lệnh thông báo cho mọi người biết dân bản có được vụ mùa bội thu; để báo cho tổ tiên, các vị thần linh, thổ địa về hưởng cốm.
Các món cốm dâng Pang
Cốm hạt: Loỏng cốm chính chủ sau khi dần, sẩy sạch, đựng vào một vài bung, lấy lá dong bịt kín để riêng, chỉ có nàng then cất giữ vào cạnh tịnh then.
Cơm cốm: Lấy nước luộc vịt để chế biến cơm cốm, phần thịt vịt làm nhân bánh cốm. Rưới nước luộc vịt đã tẩm gia vị vào nồi cốm hạt, sau đó múc cốm ẩm ra lá dong, gói cho vuông cạnh, hình vuông hoặc chữ nhật.
Bánh cốm: Thịt vịt luộc chín tới, lọc thịt, băm thành viên nhỏ, xào qua với hạt dổi, nhân quả đài hái, bột đậu đen, một ít kiệu lá, hành hoa, tỏi bột để làm nhân. Cho nhân vào giữa cốm, dùng lá dong non gói cốm như gói bánh chưng, lấy lạt mềm buộc nhẹ. Xếp bánh chõ nấu rượu hấp cho chín đều. Bánh cốm phải chín vừa tới, không bị nhão, không quá ngậy.
Trình dâng cỗ Pang ở tất cả các loại Pang đều như nhau chỉ khác lễ vật và nội dung Pang. Mở đầu cho lễ hội Pang dâng cốm ở nhà thầy, chủ nhà phải cúng bài cúng truyền thống của người Tày như: Sự tích của que hương (thậu hương), Xôi hương động tưởng…
Sau khi dâng Pang xong, nàng hương, nàng khiến mới bưng các thúng cơm cốm, bánh cốm và cốm hạt cho mọi người được hưởng, chủ yếu là những người giúp Pang được hưởng cơm và bánh cốm./.