Mùa trình tường nhà của đồng bào Mông ở Lào Cai
Ngôi nhà có kết cấu đẹp, bền, vừa giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ về mùa hè, trước kia còn có tác dụng phòng, chống được nhiều loại thú dữ.
Đồng bào Mông thường chọn tháng 10 âm lịch là thời điểm dựng nhà, khi những ruộng lúa, nương ngô vụ mùa vừa được thu hoạch xong. Phần vì nông nhàn, một phần thóc, ngô sau thu hoạch được bán đi để trang trải làm nhà mới. Gia đình nào có điều kiện khá sẽ làm ngôi nhà mới to hơn, đẹp hơn hoặc làm nhà mới cho con ra ở riêng.
Trước khi làm nhà, đồng bào Mông rất chú trọng việc chọn đất và làm một mâm cơm để báo cáo tổ tiên. Công việc trình tường nhà được đồng bào chuẩn bị công phu, sau khi đào móng xong, họ sẽ đặt vào đó những chiếc khuôn gỗ dài khoảng 1,5m, rộng 0,5m. Khi bắt đầu trình tường, người ta sẽ đổ đất đầy lên khuôn, dùng những chiếc chày, vồ giã, nén đất thật chặt. Đất chọn để trình tường là loại đất nạc, được loại bỏ sạch rễ cây, cỏ dại, đá to, sau đó, được trộn với đá đã phong hóa có tác dụng làm cho bức tường chắc chắn và hạn chế nứt. Mỗi ngôi nhà cần huy động những thanh niên khỏe mạnh trình tường qua các khuôn chồng lên nhau, hết 4 khuôn là bức tường đã đủ cao để dựng nhà.
Gỗ để làm nhà đều được lựa chọn kỹ và thường làm bằng cây sa mộc, loại cây biểu tượng cho sức sống của đồng bào vùng cao. Mỗi ngôi nhà trình tường như vậy sẽ được làm xong trong khoảng 3 ngày, tuổi thọ trung bình ngôi nhà trình tường lên đến 80 năm. Cụ Tráng Seo Chùa, 76 tuổi, ở thôn Pờ Chồ 3, xã Lầu Thí Ngài (Bắc Hà) cho biết: Ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết cao. Ngôi nhà trình tường của người Mông dù rộng hay hẹp đều có 3 gian.
Trải qua bao đời, đồng bào Mông vẫn đang sống trong những ngôi nhà bằng đất trình tường kiên cố. Từ những ngôi nhà trình tường đã tạo nên truyền thống đẹp, trường tồn cùng năm tháng và mang bản sắc văn hóa độc đáo./.