Non nước Việt Nam

Tiêu rừng Tây Giang (Quảng Nam)

Cập nhật: 24/12/2012 15:00:55
Số lần đọc: 6322
Từ lâu, núi rừng Tây Giang (Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng cho một loại cây có hương vị không thể lẫn vào bất kỳ mùi vị nào khác. Người dân Cơtu nơi đây đặt tên cho loài cây này một cái tên dễ gọi, đúng với nguồn gốc của nó, đó là tiêu rừng(Amót). Amót có mặt trong nhiều món ăn của đồng bào nơi đây.

Tiêu rừng độc đáo và khác biệt

Khác với loài tiêu thường và ớt, cây thân gỗ này có chiều cao khoảng 10 - 15cm (cao hơn nóc nhà cấp 4) và đường kính lớn nhất khoảng 12 - 14cm. Lá tiêu rừng nhỏ, thân cây xanh trơn. Sau từ 2 - 3 năm, cây cho quả vào khoảng tháng chín, tháng mười. Quả tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh, trông như cà phê, tiêu thường. Mỗi cành có vô số quả. Hàng năm, cây tiêu rừng cho 8 - 12kg hạt. Thân cây cũng có mùi thơm như quả, vì vậy mà nhiều người bản địa còn lột vỏ cây làm gia vị khi trong nhà hết quả tiêu khô dự trữ.

Tiêu rừng không mọc tràn lan như các loài cây khác. Nguồn gốc của tiêu rừng cũng hết sức độc đáo, riêng biệt. Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi tiêu rừng mọc rất thưa, chỉ thi thoảng có ở những sườn đồi mới được phát đốt gần như là lần đầu tiên và không phải ở bất kỳ đám nương rẫy nào giữa đại ngàn Trường Sơn cũng có. Cây tiêu có vị thơm ngon nhất, thường ở xã Lăng và 4 xã khu 7 là A Xan, Ch’Om, Tr’Hy, Ga Ri. Người Cơtu cũng chưa lý giải được tại sao ở các xã vùng trung, vùng thấp của huyện lại ít có cây tiêu rừng, dù ở đó vẫn có những đám rẫy được phát đốt lần đầu tiên. Nhiều người chỉ lờ mờ cho rằng, có lẽ tiêu rừng chỉ hợp với thổ nhưỡng từ xã Lăng lên khu 7.

Cách thức hái tiêu cũng rất khác biệt. Vì cây cao to, cành cây dai nên thường thì đàn ông trèo lên từng cành để trút. Khi đã hái về, đồng bào đem phơi khô rồi trữ vào trong vỏ quả bầu hoặc ống tre khô, có nắp đậy kín, để quanh năm trên gác bếp, gần mặt lửa. Làm như vậy tiêu rừng có thể để được quanh năm mà vẫn không bị bay mùi. Đặc điểm riêng của loại tiêu này là mọt không thể ăn được, để đến bao lâu vẫn còn nguyên hương vị.

Gia vị số một của người Cơ tu

Mùa nào thức ấy, người Cơtu vùng cao Tây Giang khi bắt được con cá liêng hay ăn thịt gà, thịt sóc, thịt chim, thịt chuột hoặc thịt heo ta, heo rừng đều cần đến Amót. Amót có thể nêm trực tiếp vào món ăn khi chế biến hoặc giã vài hạt để làm muối chấm. Với người Cơtu ở Tây Giang, đây là loại gia vị số một. Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào bất kỳ món ăn gì thì món đó lập tức có mùi riêng ngay. Tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại có sức tác động kỳ lạ. Nhiều người vốn kén ăn hoặc ăn ít nhưng khi chế biến thức ăn với tiêu rừng thì ăn tăng khẩu phần.

Ngày nay, ở huyện Tây Giang tiêu rừng có mặt ở hầu hết nhà hàng và các quán ăn, tạo nên chút hương rừng vùng cao Quảng Nam. Các chủ nhà hàng đến tận nhà dân, tìm mua bằng được hàng chục lon tiêu rừng, để dành chế biến món ăn. Các em học sinh, sinh viên dù học xa nhà, đều mang theo bên mình những ống muối tiêu rừng. Trong bữa cơm đạm bạc của các em, muối tiêu rừng có thể là thức ăn chính...

Amót đã tạo nên sự mặn mà riêng trong các món ăn hương rừng đất Quảng. Ẩm thực vùng cao có vị tiêu rừng ngon đến kỳ lạ. Được thưởng thức món cá liêng chiên vàng hoặc món thịt chim nướng, miếng thịt hươu, nai săn bắt được chấm với muối tiêu rừng thì trên cả tuyệt vời. Với Amót, không thể nào lột tả được hết hương vị “khó tả” đặc trưng của tiêu rừng vùng núi rừng Tây Giang. Chỉ biết cái mùi thơm lạ lùng đó thì bất kỳ một đoàn công tác nào dưới đồng bằng mỗi dịp lên đây công tác đều được bà con Cơtu nơi đây chiêu đãi về món tiêu rừng Tây Giang./.

Nguồn: Làng Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT