Thái Nguyên: Hoàn thành một số hạng mục di tích lịch sử - văn hoá Chùa Hang
Chùa Hang - Kim Sơn Tự có từ thời nhà Lý do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng nhân một chuyến kinh lý Thái Nguyên qua vãn cảnh cùng với Động Linh Sơn. Thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn bà cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Hiện nay trên cửa tam quan có 3 chữ Hán lớn "Kim Sơn Tự" nhưng nhân dân vẫn quen gọi là "Chùa Hang". Chùa Hang - Kim Sơn Tự là một di tích thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên. Núi Chùa Hang, động Tiên Lữ có thế phong thuỷ đẹp, kỳ bí, linh thiêng hợp với văn hoá tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách của mọi thời đại. Chùa Hang - Kim Sơn Tự không chỉ đơn thuần là nơi để nhân dân địa phương sinh hoạt tín ngưỡng, để khách thập phương đến tham quan vãn cảnh, lễ Phật cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu duyên mà còn là nơi tu hành của nhiều bậc sư tổ.
Chùa Hang được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào ngày 26/2/1999. Năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết công trình phục vụ Lễ hội Chùa Hang và xây dựng, trùng tu Di tích này với tổng diện tích trên 77.000 m2, gồm 26 hạng mục thi công. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục chính như: Điện tam bảo, Lầu chuông, Lầu trống và Tam quan nội, Tam quan ngoại với tổng kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó, Lầu Chuông và Lầu Trống được thiết kế xây dựng trên diện tích 81 m2/lầu, gồm 2 tầng, 8 mái, khung lầu được làm bằng gỗ với 4 cột cái và 24 cột quân. Sau khi xây dựng xong Lầu Chuông, Lầu Trống, Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Yên Bình đã công đức một quả chuông đồng nặng hơn 3 tấn; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên công đức một quả trống sấm có đường kính 1,2m, chiều cao 1,5m, góp phần hoàn thiện 2 hạng mục trên. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân còn đăng ký cung tiến vào chùa rất nhiều tượng phật, chiếm khoảng 60% số tượng cần đưa vào sử dụng khi chùa hoàn thành.
Tại buổi lễ, hạng mục Đại giảng đường Hoằng pháp khu A với diện tích 1.500 m2 cũng được khởi công xây dựng, đây sẽ là nơi thường xuyên tổ chức các khoá tu cho các Phật tử trong và ngoài tỉnh. Nhân dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân đã công đức tiền để tiếp tục tôn tạo, xây dựng quần thể lịch sử - văn hoá Chùa Hang. Khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Chùa Hang sẽ là địa điểm du lịch tâm linh của nhiều người dân địa phương và du khách thập phương. Sau buổi lễ, các đại biểu đã tham gia trồng cây lưu niệm tại khu vực Chùa Hang./.