Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu di tích Cố đô Huế
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, ngày 12/12 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di tích này.
Quyết định ghi rõ, bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên - Huế từ năm 2013 đến 2020 với tổng mức 800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 100 tỷ đồng. Riêng năm 2013 do ngân sách khó khăn nên bố trí hỗ trợ 50 tỷ đồng; các năm sau tùy điều kiện ngân sách sẽ bố trí tăng thêm để đảm bảo tổng mức hỗ trợ như trên.
Thủ tướng cũng giao các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn đến năm 2020 theo nguyên tắc năm sau cao hơn năm trước để thực hiện các dự án; đồng thời bổ sung nguồn vốn từ nguồn thu ngân sách; vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để cùng với ngân sách địa phương đảm bảo vốn đối ứng, ngân sách trung ương hỗ trợ việc thực hiện đề án.
"Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng cơ chế này và được Thủ tướng phê duyệt. Có thể nói, đây là quyết định rất quan trọng của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện thành công đề án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, toàn bộ nguồn kinh phí này sẽ được dùng để trùng tu di tích cố đô Huế đã được Chính phủ thông qua, trong đó có Ngọ Môn, Đông Khuyết Đài, hành lang Tử Cấm thành, Xung khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ của lăng vua Tự Đức, Điện Gia thành của lăng vua Gia Long…
Trước đây mỗi năm Thừa Thiên - Huế có 20-25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để trùng tu di tích. Đây là lần đầu tiên có được nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, ngoài ra còn có thêm cơ chế về nguồn vốn ODA…/.