Múa Cơ Tu – vũ điệu từ cuộc sống
Điệu múa tập thể
Người Cơ Tu chủ yếu múa hai điệu tơntúng và dadăq, nên người dân nơi đây khi nhắc đến hai điệu múa này là người ta nghĩ ngay đến múa Cơ Tu. Tơntúng là điệu múa của đàn ông; dadăq là điệu múa của phụ nữ. Đây là hai điệu múa tập thể được thể hiện ở tất cả các lễ hội của người Cơ Tu và được múa cùng lúc với nhau. Điệu múa này không có bất kỳ sự phân biệt nào, là người già trẻ, trai gái, người lớn, người nhỏ đều được tham gia. Thậm chí những người khách từ nơi khác đến chơi cũng có thể tham gia. Trang phục, trang sức múa cũng chính là trang phục, trang sức của người tham dự lễ hội – đó là những trang phục đầy hoa văn sặc sỡ và những trang sức đẹp đẽ và quý giá nhất của mình. Vậy nên, bất kỳ ai đi tham dự lễ hội đều có thể múa nếu thích. Điều đó cho chúng ta thấy tính cộng đồng, sự đoàn kết, chan hòa của tộc người Cơ Tu rất cao.
Vũ điệu “bám đất, dâng trời”
Động tác của hai điệu múa tơntúng và dadăq có đặc điểm riêng và ấn tượng, “có thể ví như một điệu dân vũ mà cả hình tượng lẫn nhịp điệu là bám đất, dâng trời”. Tức là cả hai điệu múa đôi chân dù di chuyển nhưng đều bám sát đất, hai tay của nữ giơ lên cao như đang dâng lễ vật cho trời. Động tác múa về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở giai điệu, nhịp điệu chậm rãi, tha thiết hay rộn rã, dồn dập mà thôi. Vì vậy, khi mới nhìn thoáng qua, múa Cơ Tu có vẻ khá đơn điệu, trùng lặp, nhưng thật sự, đó chính là sự kết tinh một nghệ thuật múa với nhiều nét đặc trưng văn hóa riêng và đặc thù.
Nhìn tổng thể, múa Cơ Tu tạo thành vòng tròn di chuyển chậm và ngược chiều kim đồng hồ. Nếu là lễ hội ở sân nhà gươl thì lấy cột đâm trâu làm tâm điểm, nếu là lễ hội ở bên trong nhà gươl thì cột chính ở giữa nhà làm tâm điểm. Điệu múa Cơ Tu cũng gắn liền với âm nhạc cồng chiêng và trống. Sau khi chiêng, trống nổi lên sẽ tạo nhịp điệu, giai điệu để múa. Hàng con gái thường múa trước rồi mới tới hàng con trai nối tiếp theo sau tạo thành vòng tròn. Nếu đông người, một vòng chật thì họ sẽ tách thành hai vòng tròn cùng nhảy múa, nữ múa vòng trong, nam múa vòng ngoài.
Động tác múa tơn túng hùng dũng, dịch chuyển nhịp nhàng theo tiếng trống chiêng nhịp 2/4 với các đạo cụ của người trai làng giữ đất, giữ rừng, đi săn bắn… Đây là điệu múa của những chàng trai tay cầm kiếm, giáo, khiên với dáng dấp khỏe khoắn, dứt khoát. Đàn ông đóng khố không cầu kì, rườm rà, mà đơn giản, lộ thân hình cường tráng của người con trai núi rừng. Điều đó thể hiện tinh thần thượng võ, sức mạnh của trai làng Cơ Tu, không sợ đương đầu với kẻ thù, với thú dữ hay khó khăn nguy hiểm; và còn thể hiện niềm tin yêu cuộc sống, yêu buôn làng.
Điệu múa dadăq của thiếu nữ Cơ Tu rất uyển chuyển, nhịp nhàng và độc đáo. Toàn vòng tròn di chuyển chậm, từ trái sang phải, còn từng người thì chân nhún nhẹ nhàng tự quay vòng tròn quanh mình từ phải sang trái. Múa dadăq “thể hiện nét đẹp của người con gái miền sơn cước, yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống”.
Vũ điệu của phụ nữ Cơ Tu làm cho chúng ta liên tưởng đến hình tượng người phụ nữ đang dâng hiến lễ vật cho Giàng, đang cầu xin Giàng. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho đây là điệu múa thiêng, là “hương đất dâng trời”, hay như hình tượng đôi sừng trên đầu trâu - biểu tượng hiến tế của người Cơ Tu… Người ta cũng đã tìm được nhiều hình vẽ tương tự động tác múa dadăq trên vách đá các hang động của người tiền sử ở Thái Lan, Trung Quốc... Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, điệu múa dadăq “bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thời xa xưa. Lễ vật được nâng trên tay là xôi, thịt, hoa, trái… Với nét đặc trưng của vũ điệu là hai tay đưa lên trên trời nên các nhà nghiên cứu gọi là vũ điệu dâng trời”.
Mang hơi thở cuộc sống và tâm linh
Trong lễ đâm trâu (những lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội được mùa, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội mừng nhà gươl… thường có lễ đâm trâu), múa được duy trì thường xuyên trong buổi lễ. Người Cơ Tu cư trú ở vùng miền núi khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, trong cuộc sống mưu sinh của họ còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tâm linh của họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn từ đất rừng, đất rẫy, từ con nước… Giàng cho họ suy nghĩ, niềm tin để vượt qua khó khăn, sống gần gũi với gió núi, với cây rừng. Vì vậy, qua rất nhiều thế hệ, họ đã hun đúc, sáng tạo nên một điệu dân vũ mang đậm hơi thở cuộc sống và tâm linh. Trong vũ điệu ấy chúng ta thấy có cảnh những trai làng khỏe mạnh tay cầm giáo mác giữ đất, giữ rừng, đi săn bắn, có cảnh hiến tế với hàng đoàn người phụ nữ tay dâng lễ vật lên Giàng, thần đất, thần sông để cầu mưa, cầu ban cho cái ăn, cái mặc…
Vũ điệu Cơ Tu tích tụ rất nhiều đặc trưng văn hóa của cộng đồng người nơi đây. Nó đã thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình, của âm nhạc, của hình thể, của trang phục…, nó còn giúp ta hiểu được tâm tư, tình cảm và ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ. Vũ điệu giúp họ thêm gắn bó, yêu thương nhau, bản làng thêm đoàn kết, gần gũi với thiên nhiên và thêm tin yêu cuộc sống. Người Cơ Tu có quyền tự hào về nghệ thuật múa đặc sắc của mình. Điệu múa là sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ, nó tiêu biểu cho cội nguồn văn hoá độc đáo của dân tộc Cơ Tu./.