Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Cao Lan, Tuyên Quang

Cập nhật: 17/01/2013 10:33:39
Số lần đọc: 3169
Người Cao Lan ở Tuyên Quang hiện có khoảng 65.000 người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, dân tộc Cao Lan có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò, vè, tục ngữ, ngạn ngữ. Đặc biệt làn điệu Sình ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian phong phú của người Cao Lan được ví như “Quan họ vùng đồi” hấp dẫn lòng người.
Dân tộc Cao Lan còn duy trì được các làn điệu dân vũ như múa trống, múa xúc tép, múa chim gâu, múa đâm cá, múa thắp đèn... với nhiều nhạc cụ phong phú như thanh la, não bạt, trống, chuông, kèn...
 
Múa cờ của dân tộc Cao Lan do đội văn nghệ thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) biểu diễn. Ảnh: Ngọc Chiến
Ông Sầm Dừn, một nghệ nhân người Cao Lan ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, tên gọi của các điệu múa của dân tộc Cao Lan đều bắt nguồn từ nghề trồng lúa nước, lúa nương, chăn nuôi và bẫy chim thú. Các động tác trong các điệu múa rất đơn giản phản ánh kinh nghiệm và cuộc sống lao động sản xuất, để rồi mỗi dịp xuân về trong các lễ hội của người Cao Lan không thể thiếu các điệu múa, tuy đơn giản nhưng mang đầy tính nghệ thuật. Nhiều năm qua, ông Sầm Dừn đã dày công sưu tầm, phục dựng các điệu múa của dân tộc và sáng tác làn điệu Sình ca truyền dạy cho thế hệ hôm nay. Người Cao Lan ở làng Mãn Hóa nói riêng và ở Tuyên Quang nói chung ai cũng kính trọng ông bởi ông đang lưu giữ hàng nghìn bài Sình ca, truyện cổ, hàng chục điệu múa và các nhạc cụ của dân tộc mình.

Làn điệu Sình ca là linh hồn của văn hóa Cao Lan. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần vô cùng đặc sắc và có ý nghĩa lớn đối với người Cao Lan. Tương truyền rằng, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan được hình thành và gắn liền với câu chuyện tình của nàng Lưu Ba. Một nữ thần nghệ thuật độc đáo, một thần tượng thơ tình của dân tộc Cao Lan (tên Lưu Ba phiên âm theo tiếng dân tộc là LauLSam). Người dân tộc Cao Lan vẫn truyền nhau câu chuyện nàng Lưu Ba, người khởi nguồn cho điệu hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan xuất thân từ một cô gái nghèo. Lưu Ba xinh đẹp như một bông hoa rừng, lại có tài sáng tác thơ ca. Bảy tuổi Lưu Ba đã sáng tác những bài đồng dao cho đám trẻ trong làng. Mười sáu tuổi Lưu Ba đã sáng tác những bài để trai làng, gái bản hát giao duyên. Lưu Ba xuất hiện như một bông hoa rừng mà không nở. Nàng tài hoa trong sáng tác và tài hoa trong cả giọng hát lời ca. Giọng hát Lưu Ba trong hơn tiếng chim, khi nàng cất tiếng hát dòng sông ngừng chảy, ngọn gió ngừng bay. Lời nào cũng đẹp như bông hoa, bay qua ba ngọn núi, bay qua đồng ruộng lúa chín vàng trời, bay qua nương đồi màu xanh phơi phới. Nàng nói chuyện bằng thơ, hát lời của núi. Lời hát của nàng cầu mong cho tình yêu, cầu mong cho người nghèo thành giàu, cầu mong cho người giàu phải thương người nghèo mà chia của cải thương yêu đùm bọc giúp nhau trong cuộc sống; người tàn ác nghe lời hát của nàng mà thành lương thiện.

Đối với dân tộc Cao Lan, nàng Lưu Ba là hiện thân của cái đẹp, cái cao cả, là giá trị đạo đức, tinh thần, nhân văn tồn tại mãi mãi không bao giờ phai mờ mặc cho thời gian trôi qua... Một người con gái tài hoa nhưng Lưu Ba vẫn gặp phải cảnh đời bất hạnh. Bố, mẹ mất sớm, anh trai và chị dâu vì ích kỷ đã cấm nàng ca hát và ép buộc nàng lấy người mà nàng không yêu. Để tự giải thoát cho mình nàng đã bỏ nhà chồng ra đi để đem lời ca tiếng hát của mình đến với mọi người. Mỗi vùng quê nàng học được một điệu hát, mỗi dân tộc nàng học được những lời hay. Như con tằm nhả kén nàng đem điệu múa, lời ca tiếng hát hiến dâng cho mọi người. Chuyện tình nàng Lưu Ba gắn liền với điệu hát Sình ca do nàng sáng tác cứ ngân vang khắp vùng đồi và được đồng bào dân tộc Cao Lan giữ gìn như ngọn lửa trong tim, truyền tụng từ đời này sang đời khác. Trong những ngày xuân rạo rực, trong những ngày lễ hội tưng bừng thanh niên nam, nữ Cao Lan hát say sưa câu chuyện về nàng Lưu Ba suốt ngày đêm không dứt. Những bài hát của Lưu Ba được truyền tụng rộng rãi trong nhân gian khi người Cao Lan ghi chép lại thành từng tập hát ví giao duyên mê đắm lòng người. Anh Tiêu Văn Ý, ở làng văn hóa Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn) bảo rằng, mùa xuân nào làng cũng mở hội, anh được nghe hát Sình ca về tình yêu đôi lứa, về lẽ sống, càng thêm trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Tuy nhiên, hiện nay, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan cũng như nhiều làn điệu hát thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ mai một. Để bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị điển hình của các dân tộc thiểu số, trong đó có làn điệu Sình ca, các điệu múa của dân tộc Cao Lan trên địa bàn hiện đang có nguy cơ bị mai một cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT