Non nước Việt Nam

Tết truyền thống của người Mông, Sơn La

Cập nhật: 17/01/2013 10:25:37
Số lần đọc: 2399
Diễn ra vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, Tết truyền thống dân tộc Mông có nhiều nghi lễ, phong tục cũng như các hoạt động vui chơi lễ hội rất độc đáo.

Còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng những ngày này, đồng bào Mông tại xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La đã rất nhộn nhịp trong không khí ngày Tết truyền thống của dân tộc mình.

Đồng bào Mông đang nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống (Ảnh: khoahoc.baodatviet.vn)

Đồng bào Mông thường đón Tết từ 30/11 đến 5/12 âm lịch, vào ngày 30 Tết khắp bản làng xã Loóng Luông nhộn nhịp không khí chuẩn bị đón Tết.

Nhộn nhịp nhất có lẽ phải kể đến việc mổ lợn. Những chú lợn to, đẹp nhất được đưa vào trước ban thờ gia đình cắt tiết. Làm vậy là để báo với các vị thần linh, báo với tổ tiên và mời các vị về đón tết cùng con cháu. Theo phong tục của đồng bào Mông, trong 3 ngày Tết chính, mọi người chỉ được ăn thịt, không ăn rau nên ngoài ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, thịt lợn còn là thực phẩm chính trong mâm cơm ngày Tết.

Cả bản rộn ràng tiếng giã bánh dày, không khí Tết nhộn nhịp khắp bản làng từ những âm thanh như thế. Những chiếc bánh dày trắng ngần từ nếp nương được dùng để tạ ơn tổ tiên sau một vụ mùa thắng lợi và cũng là để mời nhau thưởng thức trong những ngày Tết.

Dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình - một phong tục độc đáo của đồng bào Mông - cũng được người chủ gia đình thực hiện vào buổi chiều ngày cuối cùng của năm.

Bác Mùa A Chừ, xã Loóng Luông cho biết: "Các công cụ này cũng là công cụ lao động chính của gia đình. Một năm lao động mình sử dụng nó thì hôm nay dán tờ giấy này như cám ơn các công cụ lao động, năm nay thu được nhiều ngô nhiều lúa, thóc cũng là nhờ những công cụ này, mình phải cám ơn nó".

Khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Buổi tối đêm 30 Tết nhà nhà đều ngồi chờ giao thừa, ôn lại những câu chuyện của năm cũ, hay ngồi hát những bài hát truyền thống đón xuân.

Bếp lửa theo truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày tết của người Mông, luôn cháy rực để sưởi ấm cho tổ tiên, các cụ về ăn tết, và cũng là sưởi ấm cho mọi người, khiến cho không khí ngày xuân ấm áp hơn trong cái lạnh nơi vùng cao.

Đồng bào Mông ăn tết trong 3 ngày chính và hoạt động vui chơi kéo dài cả tháng. Trong những ngày Tết chính, mọi người trong khắp thôn bản tìm đến gia đình chúc tụng nhau. Mâm cỗ luôn được gia đình chuẩn bị trước và sẵn sàng tiếp khách.

Uống rượu vòng là phong tục rất độc đáo của người Mông để gửi đến nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong năm mới.

Anh Mùa A Chía, xã Loóng Luông chia sẻ: "Năm hết tết đến chén rượu vòng để tất cả anh em đến phù hộ cho. Thứ nhất sang năm mới cả gia đình có sức khỏe mới, làm ít được nhiều, nuôi gà đầy chuồng, nuôi lợn cũng đầy chuồng, nuôi bò thì đầy bãi, làm thóc thì đầy kho. Chúc con cháu đi học đường xa, đi tốt về tốt, không có vấn đề nào xấu".

Tết truyền thống, đó là dịp để đồng bào Mông vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát, tiếng khèn như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết đồng bào khắp thôn bản. Đây cũng là điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT