Hoạt động của ngành

Lào Cai: Khai thác giá trị di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch

Cập nhật: 16/01/2013 15:22:21
Số lần đọc: 3857
Du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu trong việc biến các di sản văn hoá thành các sản phẩm du lịch.

Phát huy, khai thác di sản văn hoá thành các sản phẩm du lịch là một trong những nội dung quan trọng của Đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015”. Đề án được triển khai vào năm 2011, nhưng trước đó, công tác xây dựng đời sống văn hoá, bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Việc “biến di sản thành tài sản” đã  tạo ra những thay đổi về  kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đưa Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số.

 

Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống, nhiều cộng đồng dân tộc vẫn giữ nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, đây chính là điều kiện thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có để biến văn hóa của dân tộc bản địa thành các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Không chỉ riêng các địa danh nổi tiếng, như Sa Pa, Bắc Hà, mà Mường Khương, Bát Xát… cũng đã dần trở thành cái tên quen thuộc để du khách khám phá.

 

Du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu trong việc biến các di sản văn hoá thành các sản phẩm du lịch. Ngay từ năm 2005, với mục tiêu “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra thế mạnh du lịch, đồng thời gắn việc bảo tồn văn hoá các dân tộc với việc phát triển du lịch” nhằm đưa du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ngành văn hoá đã triển khai đề án xây dựng các làng du lịch cộng đồng. Bắt đầu từ Sa Pa, sau đó các làng du lịch cộng đồng đã phát triển rộng khắp ra các địa phương: Tả Van Chư, Tà Chải (Bắc Hà); Bản Xèo, Dền Sáng (Bát Xát), Cao Sơn (Mường Khương)… Ngoài kinh doanh loại hình lưu trú homestay, người dân bản địa đã linh hoạt biến vốn văn hoá đặc trưng của dân tộc mình thành nhiều dịch vụ du lịch độc đáo: Tắm lá thuốc của người Dao đỏ; phục dựng nhiều tiết mục văn nghệ, nghi lễ truyền thống mỗi dân tộc; bày bán các sản phẩm thủ công chạm khắc bạc, thêu ren với nhiều tour khám phá hấp dẫn… Lợi ích kinh tế từ loại hình này mang lại là không thể phủ nhận, ngành “công nghiệp không khói” đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trở thành triệu phú với doanh thu vài chục triệu đồng mỗi năm.

 

Văn hoá tinh thần, đặc biệt là các làn điệu múa, hát, nghi lễ hay các lễ hội là một phần không thể thiếu tạo nên bức tranh du lịch đa dạng của Lào Cai. Hiện Lào Cai có 3 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội Gầu tào của người Mông, nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ, nghi lễ Then của dân tộc Tày, ngoài ra còn hàng chục nghi thức đặc biệt khác của dân tộc Hà Nhì, Mông, Nùng Dín... là nguồn phong phú để biến thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.

 

Xã Tà Chải (Bắc Hà) từ lâu đã nổi tiếng với các làn điệu xòe truyền thống, ông Vàng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ý thức được vốn quý của nghệ thuật xòe với đời sống văn hóa của người dân cũng như sự phát triển du lịch, xã đã mời các nghệ nhân truyền dạy múa xòe, đồng thời tổ chức các đêm múa xòe ngay tại  các điểm du lịch mỗi thôn. Hình thức này đã tạo ra sức hút lớn với du khách mỗi dịp đến với địa phương.

 

Ông Đỗ Quang Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, Chính sách (Sở VH-TT-DL) cho biết: Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tiếp tục sưu tầm và lập hồ sơ đề nghị công nhận một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh, đồng thời tiến hành thẩm định để công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian của các dân tộc nhằm khẳng định và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục