Quyến rũ miền cao Ý Tý, Lào Cai
Đến Ý Tý, bạn sẽ rất thú vị khi gặp chợ phiên vào ngày thứ Bảy, nơi tập trung nhiều người dân tộc như Hà Nhì, Dao, Hán, Giáy, Mông… với bức tranh trang phục đủ các sắc màu. Người Mông mang trang phục váy xòe, người Hà Nhì với cặp ba lá và mái tóc giả tết bằng len quanh đỉnh đầu. Người Dao vấn chiếc khăn chim công trên đầu… với những nụ cười hồn nhiên, trong trẻo. Họ cùng nhau mua bán các sản vật địa phương và các sản phẩm thổ cẩm, thêu... của gia đình.
Ở Ý Tý có một kiến trúc nhà ở đặc biệt, đó là nhà trình tường. Một kiểu nhà còn giữ được nét hoang sơ nguyên thủy theo lối kiến trúc truyền thống của người Hà Nhì. Nhà thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ, nhưng mùa đông rất ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất rất dày, từ 30 - 40cm. Mái nhà chủ yếu được lợp bằng gỗ. Tại đây, du khách sẽ bắt gặp các hộ gia đình người Hà Nhì sống trong những ngôi nhà trình tường ở trên núi, bên cạnh những con suối và những lối mòn quanh năm rụng đầy lá cây rừng...
Theo lời kể của bà con dân bản, cứ vào dịp đầu xuân, dân cư ở Ý Tý lại nô nức tổ chức lễ “cúng rừng” (tiếng địa phương gọi là lễ cúng “gà ma do”) để thể hiện lời hứa với thần rừng là không xâm hại đến rừng thiêng. Lễ vật dâng cúng thần rừng gồm có một con lợn chừng 60kg, 6 con gà, 6 mâm xôi và 6 lít rượu. Mỗi nhà phải cử ít nhất một người ăn mặc theo trang phục cổ truyền của dân tộc để vào khu “rừng thiêng” của thôn để cúng. Đặc biệt, tất cả mọi người phải bỏ giày dép, đi chân đất. Theo quan niệm của người Hà Nhì, như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng đối với thần rừng.
Người Hà Nhì ở Ý Tý chiếm đến 60% dân số, họ cư trú gần nguồn nước để đảm bảo nước cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Trang phục của phụ nữ Hà Nhì là áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân, nhưng có lẽ chiếc mũ là đẹp hơn cả bởi nó được trang trí bằng các đồng xu nhôm có gắn quả bông làm bằng loại chỉ màu có tua rua ở trên đầu. Người phụ nữ Hà Nhì rất chăm chỉ lao động. Đi đâu họ cũng đeo một chiếc gùi có quai tết bằng lông đuôi ngựa vừa để làm đẹp và vừa để trừ tà ma.
Không chỉ là nơi gìn giữ những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, là nơi có khí hậu, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, Ý Tý còn ẩn chứa nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế. Trong những khu rừng già nơi đây, cây thảo quả trở thành nguồn “vàng nâu” quý giá cho vùng đất này. Do nhiệt độ thường dưới 200C, có những dòng suối với nguồn nước trong lành quanh năm nên Ý Tý còn là “vùng đất hứa” trong việc phát triển các giống cá nước lạnh có nguồn gốc từ châu Âu như cá hồi, cá tầm…
Hiện nay, đường lên Ý Tý đã tốt hơn trước rất nhiều, ôtô có thể chạy thẳng được vào bản nên thuận lợi cho du khách mỗi khi đến với bản làng. Nếu là người ưa khám phá, Ý Tý chắc chắn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua khi lên với vùng cao Tây Bắc Việt Nam./.