Đặc sắc kiến trúc Chùa Ông, Ninh Thuận
Ông Hàng Thái Châu, Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Ông cho biết, theo các bia ký tại chùa cho thấy đồng bào Hoa từ các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu di dân đến Ninh Thuận vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1831, bà con lập miếu thờ ngài Quan Công biểu thị lòng trung nghĩa nhằm mục đích động viên cộng đồng Hoa kiều đoàn kết, trung thực, hiếu nghĩa. Ngôi miếu xây cất nhỏ nằm ven đường thiên lý Bắc Nam rất thuận lợi cho việc đi lại giao lưu của cộng đồng Hoa kiều. Đến năm 1909, Chùa Ông chính thức được trùng tu xây dựng có quy mô lớn mang đậm văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Hoa tồn tại đến ngày nay.
Chùa Ông xây cất theo hình chữ Tam gồm có ba gian: Gian thánh điện thờ Quan Công; gian bái đình có khoảng sân rộng cho nhân dân đến cúng bái; gian hội quán làm nơi trao đổi của cộng đồng Hoa kiều. Hệ thống cột cái, đòn dông, vĩ kèo được chạm khắc tinh xảo, phản ảnh đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc đình chùa vào cuối thế kỷ XIX. Trên nóc chùa được trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu; các mái được chạm khắc lân, phụng, hoa lá đường nét sinh động, sắc màu tươi thắm. Chùa Ông còn lưu trữ nhiều vật dụng thờ cúng cổ có giá trị về nghệ thuật đúc đồng, gốm sứ, liễn thờ. Và bốn sắc phong của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh.
và Bằng xếp hạng di tích Quốc gia năm 2011 cùa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chùa Ông diễn ra các hoạt động tế lễ hàng năm vào các ngày 13 tháng Giêng âm lịch cúng “ Đào viên kết nghĩa”; ngày 13 tháng năm âm lịch vía Quan Bình; ngày 24 tháng sáu vía Ngài Quan Thánh. Đặc biệt vào đêm Giao thừa, người Hoa địa phương đến thắp hương cầu mong quốc thái dân an, gia đình làm ăn thịnh vượng trong năm mới. Chùa Ông có kiến trúc đẹp nằm giữa trung tâm Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là điểm đến tham quan của du khách vào dịp đầu Xuân mới Quý Tỵ- 2013.