Gìn giữ nhà cổ của người Hoa ở Bằng Vân (Bắc Kạn)
Tuy nhiên, với sự bào mòn của thời gian, những ngôi nhà cổ bị xuống cấp và mai một dần. Chưa kể, những căn nhà mái ngói khang trang, hiện đại mọc lên thay thế những ngôi nhà cũ càng khiến cho những ngôi nhà cổ dần trở thành “hoài niệm.”
Những năm 60 của thế kỷ trước, do cuộc sống khó khăn nên hầu hết các hộ dân ở Bằng Vân sống trong những ngôi nhà vách đất hoặc tự lấy gỗ trên rừng về làm nhà sàn.
Cộng đồng người Hoa khi di cư đến đây đã dùng đất sét nung gạch để xây nhà theo lối kiến trúc độc đáo của riêng mình.
Việc bố trí không gian cư trú của đồng bào Hoa ở đây cũng có sự khác biệt. Mặc dù địa hình rộng rãi, nhưng các hộ dân vẫn xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác liền kề nhau, đối xứng theo trục dài. Điều này không chỉ tạo ra sự đông đúc cho thôn, bản mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng của người dân nơi đây.
Thời gian đầu có khoảng 100 mái nhà nằm kề nhau trải dài trên trục lộ hơn 1km vào các thôn Khu AB và Khu C ở xã Bằng Vân.
Tùy theo điều kiện kinh tế, sở thích mà mỗi hộ dân xây nhà theo cách riêng. Nhưng về tổng thể các ngôi nhà của người Hoa ở Bằng Vân vẫn có những nét rất độc đáo.
Nhà được xây bằng gạch nung, thường có 3-5 gian, mỗi gian đều có cửa sổ và cửa ra vào.
Chiều ngang và dài của ngôi nhà có tỷ lệ gần bằng nhau, mái nhà được làm cao lên để tạo sự thoáng đãng cho không gian bên trong.
Mỗi ngôi nhà thường có từ 6-10 chiếc cột, cao khoảng 8-10m có tác dụng chịu lực nâng đỡ cho toàn bộ ngôi nhà. Tận dụng chiều cao của ngôi nhà người dân thường làm gác lửng để tăng diện tích sử dụng.
Cách bố trí không gian bên trong nhà cũng rất hợp lý và mang bản sắc của từng gia đình. Dù không phải là nhà ống nhưng cách sắp xếp không gian lại theo chiều sâu của ngôi nhà.
Những gian ngoài gia chủ sử dụng để tiếp khách. Những gian bên trong là phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình, có chia tách theo lứa tuổi và giới tính.
Bếp nấu ăn và những công trình phụ khác được xây dựng cuối và liền kề với nhà. Ban thờ được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà và rất cao. Mỗi khi thắp hương, chủ nhà phải dùng thang hoặc làm cầu thang cố định mới có thể đưa đồ cúng lên ban thờ.
Ngoài ra, nhà cổ của người Hoa ở Bằng Vân còn có gác hiên làm bằng gỗ dùng để phơi quần áo hoặc nông sản.
Ông Trương Văn Ngả, là một trong hai hộ dân còn giữ được nguyên bản ngôi nhà được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, cho biết hầu hết những ngôi nhà ở địa phương được dựng lên từ tinh thần đoàn kết của tập thể trong cộng đồng thôn với các hình thức giúp đỡ nhau về vật chất rồi các hộ cùng góp ngày công xây nhà, cứ nhà này xong lại giúp nhà kia.
Các ngôi nhà ở Bằng Vân được xây sát nhau, tuy nhà gần nhau nhưng rất ít khi các gia đình trong thôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Họ rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Thậm chí có một số gia đình còn làm chung nhà chỉ phân cách phòng ngủ và bếp.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, đời sống của người dân ở Bằng Vân ngày càng được nâng cao, nhiều hộ có điều kiện kinh tế khá giả. Cũng chính vì lý do này mà không ít hộ gia đình đã phá những ngôi nhà cổ để xây nhà mới hiện đại hơn.
Ông Hoàng Văn Hoàn, Trưởng thôn Khu AB, cho biết hiện nay những ngôi nhà cổ ở Khu AB và Khu C mặc dù có nhiều giá trị về văn hóa và truyền thống nhưng người dân nơi đây dù muốn tu sửa để gìn giữ những nét độc đáo trên nhưng lại không có kinh phí. Trong khi đó, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân không thể ở và sinh hoạt trong những ngôi nhà như thế.
Hiện nay, ở khu AB chỉ còn khoảng hơn chục ngôi nhà được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước còn được gìn giữ. Một số người dân còn tận dụng những ngôi nhà đã xuống cấp làm nhà kho hoặc bỏ hoang dẫn đến những ngôi nhà cổ bị tàn phá nhanh hơn.
Ông Hoàng Văn Đồng, một trong hai hộ còn giữ được gần như nguyên vẹn ngôi nhà cổ, cho biết để có thể gìn giữ được những ngôi nhà cổ, rất cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền để giúp đỡ người dân cải tạo và gìn giữ những ngôi nhà cổ đang xuống cấp.
Ông Nông Thanh Bạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bằng Vân, cho biết những ngôi nhà cổ ở thôn Khu AB và Khu C có nét kiến trúc độc đáo, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc trong địa phương. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên một số ngôi nhà đã bị xuống cấp.
Giữ gìn, tôn tạo những ngôi nhà này cùng với nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Hoa là trách nhiệm đặt ra với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của chính người dân địa phương, cùng với đó là sự giúp đỡ, quan tâm của các cơ quan cấp trên./.