Lam Kinh (Thanh Hóa) – Vùng đất di sản
Khi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hoá 53 km về phía Tây. Lam Kinh được biết đến hơn 600 năm về trước là một vùng “đất lành chim đậu”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vùng đất này trở thành nơi hội tụ của nhiều anh hùng hào kiệt, chiêu tập quân sỹ bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Đất nước thái bình, nơi đây trở thành kinh đô thứ hai của triều Lê, là quê hương của dòng họ đế vương dài nhất trong lịch sử dân tộc (1428 - 1788).
Thành điện Lam Kinh được xây dựng ở vị trí đắc địa liên kết với nhau như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, núi Chúa làm tiền án, bên tả là núi Phú Lâm, bên hữu là núi Hương. Toàn khu Hoàng thành, cung điện, thái miếu được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh không chỉ là biểu tượng tinh thần của dân tộc, nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử như: Điện Lam Kinh với những dấu vết chân cột được xếp vuông vức hình bàn cờ. Phía sau chính điện là nền móng của chín tòa Thái miếu chạy theo hình vòng cung, hai đôi rồng chầu được chạm khắc tinh xảo, bia Vĩnh Lăng - một tác phẩm nghệ thuật được xem là bia đá lớn nhất, là vật báu của quốc gia ghi lại sự nghiệp, thân thế của vua Lê Thái Tổ, sự tích Hồ Hoàn Kiếm do Nguyễn Trãi biên soạn. Cạnh vết tích của các kiến trúc xưa, những cây thị, cây đa hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là “cây Di sản Việt Nam”. Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ còn có 8 lăng của các Vua và Hoàng Hậu, trong đó lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Lăng của các vua kế nghiệp và Hoàng Hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây, mỗi lăng mang một nét kiến trúc riêng độc đáo.
Với những giá trị to lớn của Di sản văn hóa này, khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh đã thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, ấn tượng khi du khách về với xứ Thanh và xứng đáng là khu di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt.
Đền thờ Lê Lai - Vị tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn
Đền thờ Lê Lai thuộc làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cách khu di tích Lam Kinh khoảng 6km về phía Tây. Xưa kia vùng đất này có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa. Vào thế kỷ 15 tương truyền rằng: Một lần Lê Lợi đi chiêu binh qua dòng suối trước làng, vì nóng quá xuống rửa chân thì tép bám đầy chân thấy vậy Lê Lợi đặt ngay tên là làng Tép./.