Non nước Việt Nam

Lễ rước hồn lúa của người Ê Đê

Cập nhật: 22/02/2013 16:29:35
Số lần đọc: 1952
Lễ rước hồn lúa của người Ê Đê không biết có tự bao giờ, nhưng đến  nay phong tục này vẫn còn được giữ, được tổ chức vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Vào tháng Chạp, lúa đã thu hoạch xong, bà con phơi hong khô ráo rồi đem cất vào dày (kho) tại rẫy. Sau đó, họ tổ chức lễ rước hồn lúa về nhà để tạ ơn thần linh trong năm vừa qua không lũ lụt, bão bùng… đã cho họ được mùa lúa, bắp… Đây cũng là dịp người Ê Đê cúng mừng năm mới, mừng vụ mùa mới với bao ước vọng giàng (trời) phù hộ ai cũng mạnh khỏe, gia đình nào cũng heo, bò đầy chuồng, lúa, bắp đầy kho để cho cuộc sống được đủ đầy.

 

Ông Ma H’Lin ở buôn Ma Giá, (xã Suối Trai, Sơn Hòa) cho chúng tôi biết về phong tục lễ rước hồn lúa: “Theo quan niệm của người Ê Đê, lúa là vật báu của trời để nuôi sống chúng ta, không chỉ là vật chất làm cho no cái bụng mà lúa nó có cái hồn, cái linh thiêng vô tận, gieo vào lòng người tình yêu thương, biết lẽ phải; con người ai cũng có những ý đẹp để nói ra những lời hay… nên người Ê Đê rất coi trọng hạt lúa. Theo tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Ê Đê, lúa thu hoạch xong cất ở rẫy chứ không mang về nhà nên phải  rước hồn lúa về nơi mình ở, để nó ở chung với mình”. Với ý nghĩa đó nên người Ê Đê không quên lễ nghi này, cứ đến trung tuần tháng Chạp là nhà nào cũng tổ chức lễ rước hồn lúa. Họ ăn cơm lúa mới, uống rượu chóe đến thâu đêm suốt sáng. Mùa vụ đã xong, đây là dịp để họ nghỉ ngơi. Già làng Oi Nhe ở buôn  Bầu (xã Ea Bá, Sông Hinh) là người khá am hiểu về một số phong tục, tập quán của người Ê Đê. Theo Oi Nhe, trước khi tổ chức lễ cúng bến nước để chuẩn bị đón mừng năm mới, bà con Ê Đê làm lễ cúng rước hồn lúa về nhà, nếu không thì hồn lúa nó giận và buồn lắm, năm sau mình sẽ thất thu. Vật lễ cúng rước hồn lúa tùy theo mỗi gia đình, ít lắm thì một con gà, một chóe rượu, gia đình nào làm ăn khấm khá hơn thì cúng heo, cúng năm, bảy con gà, rượu mười hoặc mười lăm chóe, mời bà con trong buôn làng đến chia vui, ăn uống no say, thả hồn theo tiếng cồng chiêng. Oi Nhe bộc bạch: “Bà con chúng tôi cúng rước hồn lúa là để biết ơn đất trời trong năm vừa qua mưa gió thuận hòa để cho cây lúa nhiều hạt, tạ ơn thần linh đã canh giữ rẫy nương, đuổi con sóc, con nhen, con chuột… không phá hoại hoa màu và biết ơn lúa gạo đã nuôi sống mọi người”./.

Nguồn: Báo Phú Yên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT