Non nước Việt Nam

Lễ hội Dâng Hoa Măng của dân tộc La Ha (Sơn La)

Cập nhật: 22/02/2013 16:17:52
Số lần đọc: 2806
Dâng Hoa Măng của đồng bào dân tộc La Ha là lễ hội để cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khoẻ, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang có công vì sức khỏe cộng đồng, cũng như ước muốn về sự phát triển, trường tồn của nòi giống. Đây chính là nét văn hoá phồn thực đặc sắc mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong lễ hội Dâng Hoa Măng của người La Ha.

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, chiều 19/02/2013 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cộng đồng dân tộc La Ha đến từ Bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Muờng La, Sơn La đã tái hiện lại lễ hội Pang A Nịu Ban - Dâng Hoa Măng của dân tộc La Ha.

 

Lễ hội Dâng Hoa Măng của cộng đồng người La Ha thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để con cháu, dân bản gặp nhau, giao lưu văn hóa văn nghệ.

 

Thầy mo Lò Văn Inh cho biết, theo phong tục của người La Ha, lễ hội Dâng Hoa Măng gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

 

Phần lễ: Thầy mo hát cúng cầu nguyện, phù hộ để chở che mọi người, mọi nhà của dân tộc La Ha. Trong hát cúng có Thầy mo Pí thổi Pí Sên (sáo cúng) để hòa quyện vào hát cúng.

 

Phần hội: Múa khăn, dùng các động tác múa khỏe khoắn thể hiện sức khỏe của trai gái trong bản. Tiếp đó là phần múa dương vật mang ý nghĩa phồn thực. Các điệu múa được tiếp nối bằng việc tái hiện hoạt động tăng gia, lao động sản xuất và bảo vệ bản làng. Màn múa kết thúc là hội xuân, thể hiện các trò chơi dân gian như ném còn, đánh trống, hát múa...

 

Lễ hội Dâng Hoa Măng của dân tộc La Ha thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc. Không khí lễ hội lành mạnh, vui vẻ, là dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chữa bệnh... để cùng nhau phát triển./.

 

Nguồn: Báo Làng Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT