Lễ Cầu mùa của người Sán Chay, Thái Nguyên
Trong Lễ Cầu mùa, mỗi gia đình trong vùng tự chuẩn bị đồ lễ gồm lợn, gà và xôi lên cúng ở đình làng, cầu cho mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc, thóc đầy bồ, gà đầy chuồng, cuộc sống no đủ. Sau hồi trống khai hội, màn trình diễn múa lân mở đầu tạo nên không khí sôi nổi, hào hùng. Màn múa lân kết thúc sau ba hồi trống. Tiếp đến là múa Tắc xình. Đây được xem là phần biểu diễn sôi động nhất với số người tham gia đông nhất. Trong màn biểu diễn này, đội múa sẽ có 16 người và 8 người gõ nhạc.
Nét đặc sắc nhất ở đây là các nhạc cụ đều rất dân dã và độc đáo. Dàn nhạc bao gồm trống, kèn ống nứa. Trống trong lễ hội phải là trống đất. Để làm trống, thông thường phải đào sâu xuống đất khoảng 60 cm với đường kính đáy rộng 50 cm và miệng trống khoảng 20cm. Sau đó lấy vỏ cây gỗ treo bịt lên miệng hố, dùng một loại dây rừng thật dai căng dài trên mặt đất. Dùng một nhánh cây nhỏ chống dây cho căng lên miệng trống và gõ vào dây là đã tạo ra được những tiếng âm vang rất đặc biệt. Còn các ống nứa sẽ được cắt theo các độ dài ngắn khác nhau rồi gõ vào nhau tạo nên tiếng nhạc.
Tại Lễ Cầu mùa, du khách còn được thưởng thức những bài hát giao duyên "Sình ca", hát Soọng Cô... và tham gia các trò chơi dân gian như: tung còn, bịt mắt đánh trống, bắn nỏ, đánh yến, cờ người, kéo co... diễn ra trên khắp các khu vực của sân làng. Ngoài ra, khách du lịch còn được tham quan các làng nghề chè và thưởng thức Văn hóa trà tại các xã vùng chè của huyện Phú Lương gồm Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô và Yên Lạc.
Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2005 xóm Đồng Tâm đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Sán Chay gồm các cụ cao tuổi trong vùng tham gia, các cụ sưu tầm và dịch lại sách cổ để truyền dạy cho con cháu những phong tục, tập quán tốt đẹp cũng như những điệu múa, câu hát của dân tộc Sán Chay. Lễ Cầu mùa được tổ chức nhằm góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương với nét độc đáo trong bản sắc dân tộc./.