Non nước Việt Nam

Tục cúng thuồng luồng đầu xuân

Cập nhật: 18/03/2013 16:33:09
Số lần đọc: 3252
Thuồng luồng tuy là con vật không có thật nhưng trong dân gian của người Việt luôn coi nó là một con vật hung dữ, bí ẩn sống dưới nước và có thể gây hại cho con người bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, với người Thái, Mường, Khơ Mú ở vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ từ xa xưa lại quan niệm thuồng luồng như một vị thần nước. Muốn có được mưa thuận gió hòa, tránh được tai ương thì cứ vào dịp đầu xuân, các tộc người này lại làm lễ cúng thuồng luồng thì "ngài" mới không nổi giận và ban cho những điều mong muốn.

 

Cách cúng thuồng luồng cũng có những nét khác nhau ở mỗi tộc người. Chẳng hạn, với người Mường thì tùy theo từng bản mà chọn ngày làm lễ cúng nhưng cơ bản đều vào dịp đầu tháng Giêng. Lễ cúng do một ông mo mường cùng trưởng bản làm chủ tế.

 

Họ lập một đàn cúng bằng bè chuối rồi đóng 4 cọc ở chỗ nước nông đặt bè chuối lên trên. Trên bè chuối có các lễ vật như xôi, thịt, rượu, hình các vật nuôi bằng giấy, vàng mã và một đôi gà con một trống, một mái nhưng không được mổ. Khi thầy mo và trưởng bản làm lễ cúng, dân bản cùng đứng ở phía sau nhưng phải đứng ở dưới nước thì mới bày tỏ được sự thành kính với thuồng luồng.

 

Văn tế tạ ơn, cầu khấn thuồng luồng ban cho những điều tốt lành được hoàn tất, thầy mo xin âm dương bằng hai đồng xu xem thuồng luồng đã chấp nhận lời thỉnh cầu hay chưa. Nếu đã chấp nhận thì dân làng xúm lại hạ bè chuối xuống đẩy ra chỗ nước sâu và vừa đẩy vừa reo hò cầu mong thuồng luồng phù hộ cho dân.

 

Đối với người Thái thì họ thường làm lễ vào khi trời muốn mưa và họ chọn chỗ vực nước sâu nhất để làm lễ cúng vì cho rằng đó là nơi ở của thuồng luồng. Đàn cúng được làm bằng sàn tre bên bờ suối và mỗi nhà mang một chút lễ vật ra cùng đặt lên đàn cúng. Lễ cúng thường có gạo nếp, vải dệt, rượu nhưng không thể thiếu thịt trâu, thịt lợn sống, trứng sống.

 

Lễ cúng được hoàn tất thì mọi người cùng nhau thả những lễ vật xuống khúc suối sâu cho thuồng luồng. Sau đó, dân bản cùng nhau kéo đến khu đất rộng gần đó cùng ăn cỗ, múa xoè, hát đối đáp, chơi các trò chơi dân gian hót vịt, hót nặm (té nước).

 

Còn với người Khơ Mú, nghi lễ này được tổ chức khá độc đáo trong mùa xuân. Khu vực cúng thuồng luồng cũng được tổ chức ngay bên dòng suối. Lễ cúng của họ cũng có xôi, thịt làm chín, rượu và một con gà đã làm sạch lông nhưng không được mổ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong lễ vật cúng tế, người Khơ Mú còn làm thêm một số đồ vật bằng tre, nứa, gỗ để dâng lên thuồng luồng.

 

Lễ cúng được chuẩn bị xong, thầy mo sẽ làm lễ tế thuồng luồng. Khi văn tế chấm dứt là đến màn diễn xướng. Một người mặt hóa trang bằng nhọ nồi, bột màu trắng, vàng mô phỏng mặt của thuồng luồng, trên mình của người này đeo một hình mộm con thồng luồng đầu giống như đầu rồng, thân rắn và đuôi xòe làm bằng cành lá cau hoặc cây móc.

 

Sau một hồi thuồng luồng nhào lộn trong đám đông thì có một nhân vật khác đeo mặt nạ đen giả làm thần sét xông ra nhảy múa và tay cầm đồ vật như lưỡi tầm sét hô hét như thể đang tạo sấm chớp. Thế rồi, bỗng dưng có khá đông người tay cầm sẵn các ống nứa đựng đầy nước vẩy lên cao vào giữa chỗ thuồng luồng và thần sét đang múa để giả làm mưa rào.

 

Qua cách cúng tế của các tộc người nói trên cho thấy, bản chất của nghi lễ này là tục cầu mưa, tục thờ cúng thủy thần nhưng giờ thì hầu hết đã bị mai một. Đó là một nghi lễ thể hiện khát vọng hoà hợp giữa con người và thiên nhiên từ thuở xa xưa của tổ tiên ta./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT