Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp: Công nhận 02 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh

Cập nhật: 10/09/2008 10:19:42
Số lần đọc: 2122
Ngày 09/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân đã ký quyết định xếp hạng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhà ông Huỳnh Cẩm Thuận (nhà cổ Huỳnh Thủy Lê) là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng khánh thành năm 2007, tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò để kỷ niệm ba lần Bác Tôn về thăm và làm việc với Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, cán bộ và nhân dân Mỹ An Hưng.

Khu lưu niệm này có giá trị to lớn về mặt lịch sử và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và việc xếp hạng Di tích này cũng là hoạt động nhằm ghi nhận công lao to lớn của Bác Tôn đối với quê hương và đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2008).

 

Dự kiến, năm 2009, tỉnh sẽ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích văn hóa cấp quốc gia.

* Tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, khóm 1, phường 2, thị xã Sa Đéc, ngôi nhà ông Huỳnh Cẩm Thuận (người gốc Hoa sinh tại làng Tân Phú Đông) được xem là ngôi nhà ở cá nhân nổi tiếng nhất ở Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Đây cũng là nơi chứng kiến một mối tình hết sức thơ mộng và lãng mạn của người con trai gốc hoa với một cô gái Pháp: ông Huỳnh Thủy Lê (con trai út của ông Huỳnh Cẩm Thuận) với cô gái Pháp Marguerite Duras.

Câu chuyện tình tuyệt đẹp và đầy trắc trở này đã được nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras viết thành tiểu thuyết có tên là “L,amant” – “Người tình”, được xuất bản năm 1984. “Người tình” đã được trao giải thưởng Goncourt năm 1984 và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Sau đó, được dựng thành phim và trở thành bộ phim được khán giả nhiều nước yêu thích.

Được biết, vào năm 1895, ông Thuận chỉ cất một ngôi nhà gổ với kiến trúc đơn giản. Đến năm 1917, sau thời gian làm ăn phát đạt, ông cho xây dựng lại ngôi nhà khang trang như hiện nay; đặc biệt, toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng ngôi nhà được mua từ Trung Quốc, thợ xây dựng và trang trí đều do chính người Hoa thực hiện trong gần một năm.

Công trình này rất có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa, nhất là về nghệ thuật kiến trúc nhà ở của người Việt gốc Hoa ở Nam bộ đầu thế kỷ XX. Ngôi nhà của ông Huỳnh Cẩm Thuận hiện nay được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lui tới tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về thiên tình sử Thủy Lê - Duras.

Nguồn: Đồng Tháp

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT