Hoạt động của ngành

Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử ở Tây Ninh

Cập nhật: 08/05/2013 14:27:59
Số lần đọc: 2706
Tây Ninh có lịch sử hình thành hơn 300 năm với sự phát triển rực rỡ về văn hóa - dân tộc trong thời kỳ dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh trở thành vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc của quân và dân ta.
Theo số liệu thống kê, Tây Ninh hiện có 81 di tích lịch sử văn hóa được xác lập hồ sơ và xếp hạng, gồm: 23 di tích quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Trong các di tích lịch sử được xếp hạng có 70 di tích lịch sử, 4 di tích kiến trúc nghệ thuật, 6 di tích khảo cổ học và một danh lam thắng cảnh. 

Khu di tích lịch sử núi Bà Đen ngày càng thu hút khách du lịch.
Để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch, đặt ra cho Tây Ninh phải bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng phòng Văn hóa, Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: “Để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều đề án, như “Phân cấp quản lý, xã hội hóa quản lý các di tích”; “Các giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”. Triển khai thực hiện, Tây Ninh cũng vận dụng linh hoạt các mô hình:“Chính quyền xây dựng, nhân dân đóng góp hiện vật”; “Ngành đoàn thể, nhân dân góp vốn xây dựng, nhà nước hỗ trợ đất”, đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mọi tổ chức, cá nhân chăm lo bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị văn hóa”.
 

Đến tháng 4/2013, 100% các di tích lịch sử được khoanh vùng bảo vệ. Từ năm 2008 đến nay, ngoài kinh phí của cấp trên, tỉnh đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, cùng với kinh phí của cấp trên, tỉnh đã đầu tư nâng cấp 3 di tích gồm: Di tích Trung ương Cục; Mặt trận Dân tộc giải phóng; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam khang trang đúng với lịch sử. Hệ thống khu nhà đón tiếp, nhà ở tập thể, nhà khách, nhà ăn; hệ thống âm thanh, ánh sáng bảo đảm tốt cho tham quan, triển lãm, hội nghị cũng được củng cố. Tỉnh cũng đã chủ động trồng mới 4ha rừng cây dầu phục hồi cảnh quan rừng khu di tích Trung ương Cục.

Với những cố gắng của mình, mỗi năm Tây Ninh đã đón hơn 3 triệu khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của địa phương. Để thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa, Tây Ninh đã chủ động phục hồi các lễ hội truyền thống, gắn hoạt động lễ hội với nâng giá trị di tích. Các lễ hội xuân núi Bà Đen, Động Kim Quang, về nguồn tại Trung ương Cục, lễ hội chiến thắng Tua Hai, Hội thề Rừng Rong, du lịch sinh thái vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát - cửa khẩu quốc tế Xa Mát - Mộc Bài, tạo điểm nhấn liên hoàn trong các hoạt động thu hút khách. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động liên kết với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nước bạn Cam-pu-chia xây dựng, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch định hướng tầm nhìn đến năm 2020. Các hình thức du lịch chính như: Tìm hiểu lịch sử văn hóa, tổ chức lễ hội, về nguồn, du lịch sinh thái, mua sắm, giải trí, thể thao, tâm linh; có tác dụng vừa bảo tồn, trùng tu tốt di tích, vừa xây dựng một ngành “công nghiệp không khói” phát triển, góp phần xây dựng đô thị xanh vùng biên giới Tây Nam, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng-an ninh.

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục