Hoạt động của ngành

Giải pháp bền vững cho du lịch cộng đồng ở Hà Giang

Cập nhật: 06/05/2013 08:56:22
Số lần đọc: 2906
Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, lượng du khách trong và ngoài nước đến với các điểm du lịch ở Hà Giang ngày càng tăng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để du lịch Hà Giang phát triển, tuy nhiên cần có định hướng đúng, trong đó có các nội dung về nguồn nhân lực du lịch, xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng và phát triển các tuyến, điểm du lịch.
Thực trạng các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng:

Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có trên 50 làng đã và đang triển khai xây dựng thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó trên 30 làng đã ra mắt, với đa số làng của dân tộc Dao, Tày, Mông... đem lại một diện mạo mới bộ mặt nông thôn một cách rõ rệt, theo hướng tích cực. Một số làng bước đầu thu hút lượng lớn du khách trong, ngoài nước; đem lại thu nhập dù còn ít ỏi, nhưng là nguồn khích lệ ý nghĩa, nổi bật như các Làng Văn hóa thôn Tiến Thắng, thôn Tha (thành phố Hà Giang); Lùng Tao (Vị Xuyên); Nậm An (Bắc Quang); My Bắc, Chì (Quang Bình); Làng Giang – Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); Nấm Dẩn (Xín Mần); Bản Lạn (Bắc Mê); Nặm Đăm (Quản Bạ); Bục Bản (Yên Minh); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn); Sảng Pả A (Mèo Vạc)...


Tuy nhiên, một số làng hoạt động không hiệu quả, chưa có khách du lịch đến thăm... bởi những nguyên nhân: Công tác lựa chọn và đầu tư xây dựng chưa đồng bộ; các hạng mục đầu tư thiếu chọn lọc, không đảm bảo các điều kiện phục vụ, thu hút khách, như vị trí, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, văn hóa truyền thống, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch; việc khai thác nguồn tài nguyên văn hóa nhân văn trở thành sản phẩm du lịch chưa được chú trọng; phát triển các HTX, làng nghề nhưng kết quả hoạt động kinh doanh không cao; sự tham gia của cộng đồng trong khai thác du lịch chưa được tổ chức và quản lý thích hợp. Bên cạnh đó là hạn chế về kinh nghiệm, thiết bị phục vụ cần thiết tối thiểu và công tác tuyên truyền....


Giải pháp phát triển bền vững:

Theo các nhà chuyên môn, để du lịch cộng đồng Hà Giang phát triển bền vững, trước hết cần có sự tích cực của các ngành chức năng, người dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Cùng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức du lịch sâu rộng cho nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp về vai trò, vị trí, hiệu quả KT-XH do du lịch mang lại, đào tạo nguồn nhân lực du lịch...; tìm hiểu tâm lý xã hội cộng đồng với phát triển du lịch, các điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, tộc người, phương thức tổ chức làng bản, tổ chức sản xuất, về nhà ở, trang phục, quan hệ gia đình, sinh hoạt, ẩm thực, lễ nghi, tục lệ cưới hỏi, tín ngưỡng, lễ hội, múa, thơ ca dân gian, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, di vật, cổ vật, các nghề truyền thống...; xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tài nguyên du lịch đã có và điều kiện khai thác để lựa chọn áp dụng, tập trung đầu tư, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch...


Cảm nhận về những chuyến đi du lịch tại các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh, một số du khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đều chung chia sẻ: “Phong cảnh thiên nhiên Hà Giang rất đẹp; các Làng được xây dựng khá độc đáo, mang bản sắc vùng cao; ẩm thực rất đa dạng, phong phú, ngon; con người rất quý khách... Chúng tôi chỉ mong, ngoài những địa chỉ đã đến, sẽ được biết nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt cần có sự đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người, sản phẩm du lịch... Như vậy, sẽ thu hút được nhiều du khách. Đảm bảo những yếu tố ấy, chắc chắn rằng du lịch Hà Giang sẽ phát triển bền vững, tạo cho người dân có điều kiện giao tiếp, quảng bá một hình ảnh đẹp về miền đất cực Bắc của Tổ quốc...”.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục