Non nước Việt Nam

Văn hoá Khmer Nam bộ: Lễ cúng trăng (Óoc-om-bok)

Cập nhật: 17/09/2008 09:09:22
Số lần đọc: 2043
Là lễ lớn thứ ba trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ, diễn ra vào trung tuần tháng Mười âm lịch, khi nước lũ rút khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer lại vào lễ ...

Có lẽ vì nhiều cách hiểu khác nhau nên lễ Oóc-om-bok còn được biết dưới những tên khác: Lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp, lễ đưa nước.

 

Có nhiều cách gỉai thích khác nhau về nguồn gốc lễ này. Phần lớn nghiêng về thuyết sở dĩ có tên gọi là “cúng trăng” là vì lễ nhằm để tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mùa màng đã giúp con người được làm ăn khá giả trong năm. Còn số khác thì lý giải lễ này có nguồn gốc dựa trên một điển tích của kinh Phật. Đó là chuyện về một con thỏ đã nhảy vào lửa để cúng dường cho một vị tu sĩ. Vị tu sĩ này chính là hiện thân của thần Sekara. Thần lấy làm cảm động với nghĩa cử ấy nên vẽ lên mặt trăng hình con thỏ để nhân gian tưởng nhớ. Còn con thỏ ấy lại chính là kiếp trước của Phật Thích Ca. Còn một cách giải thích khác trên cơ sở hiện vật chính được cúng trong ngày lễ, cũng như đặc điểm về tập quán sản xuất và sinh họat của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có mùa nước nổi. Có một loại thức ăn rất đặc biệt dùng để cúng trong dịp lễ Óoc-om-bok là “cốm dẹp”. Cốm dẹp là một lọai thức ăn được làm từ lúa nếp. Tháng Mười âm lịch là lúc nếp trên đồng vừa chín. Người ta gặt về rồi lấy hạt còn nguyên vỏ rang lên, giã (“quết”)bằng cối và chày gỗ cho dẹp lại (vì vậy mới có tên là “cốm dẹp”). Càng gần đến ngày rằm, tiếng cối chày quết cốm dẹp trong các sóc của đồng bào Khmer rộn vang rất rôm rã. Đến ngày lễ, sau khi cúng trăng xong, người lớn sẽ đút cốm dẹp cho trẻ em ăn. Vừa đút vừa hỏi “Con muốn được gì”, dĩ nhiên những đứa trẻ đã được dạy trước nên trả lời “Năm nay con muốn được nhiều gạo và tiền”. Sở dĩ có tục lệ này là vì người ta tin rằng sẽ làm ăn phát đạt trong mùa tới. Với hình thức như vậy nên gọi là lễ đút cốm dẹp. Vào giữa tháng Mười âm lịch là thời điểm nước sông Cửu long rút khỏi đồng ruộng nên hiện tượng này được chào đón bằng lễ Óoc-om-bok và còn được gọi là lễ đưa nước.

 

Với quan niệm về vũ trụ và hình thức cũng như ý nghĩa của lễ như vậy nên có thể nhận thấy đây chính là kết quả của nền văn minh nông nghiệp. Ở đây là nông nghiệp lúa nước, vì người Khmer sinh sống trong khu vực địa lý chịu nhiều tác động và phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là lũ lụt theo mùa, trong khi hoạt động sản xuất chủ yếu chỉ là canh tác lúa nước.

 

Do là lễ nên Óoc-om-bok có phần lễ là chính. Nhưng cũng như nhiều lễ dân gian khác trên khắp thế giới, ngày lễ này của đồng bào Khmer cũng có hai phần là lễ và hội.

 

Phần lễ chủ yếu là những họat động xung quanh nghi thức cúng trăng. Cúng trăng có thể tại chùa, tại nhà hoặc một nơi có thể nhìn thấy mặt trăng rõ ràng. Trước khi trăng mọc, người ta sẽ tụ tại đến những nơi này để chuẩn bị cúng trăng. Đầu tiên, người ta làm một cái cổng bằng cây tre, trúc rộng khoảng 3 mét, trang trí thật đẹp. Dưới cổng người ta kê một cái bàn bày các vật cúng. Ngoài cốm dẹp là lễ thức bắt buộc, còn có các loại vật phẩm cúng khác có nguồn gốc từ nông nghiệp như chuối, các loại khoai, trái cây, bánh kẹo . . . Mọi người ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng làm lễ chờ trăng lên.

 

Khi trăng lên đến đỉnh, mặt trăng tỏa sáng, người ta đốt nhang đèn và rót trà làm lễ tạ ơn trăng. Ông chủ lễ sẽ khấn vái nói lên lòng biết ơn của đồng bào đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng và chúc phúc cho loài người có sức khỏe dồi dào, được mưa thuận, gió hòa để mùa màng tốt đẹp, dân chúng hưởng được ấm no, hạnh phúc trong năm tới. Sau khi cúng, trẻ em được đút cốm dẹp như đã biết. Sau cùng, mọi người cùng vui vẻ dùng các thức ăn và các em múa hát, vui chơi các trò chơi dân gian.

 

Phần hội trong dịp Óoc-om-bok thường lôi cuốn tất cả ba dân tộc anh em (Khmer, Việt, Hoa) sống trên địa bàn cùng tham dự. Tâm điểm của mọi sự chú ý là các cuộc đua ghe ngo – người Việt gọi đơn giản là “bơi đua”, rất vui tươi và hào hứng.

 

Ghe ngo làm bằng một thân cây cổ thụ to, dài khỏang 10 m, giống như thuyền độc mộc vậy. Tùy theo lớn hay nhỏ mà mỗi chiếc có sức chở từ 20 – 60 người ngồi bơi. Một ghe ngo là một đội bơi, đại diện cho một sóc người Khmer. Mỗi đội mặt đồng phục riêng. Ngòai những người ngồi bơi, bao giờ mỗi ghe cũng có một người chỉ huy và một người cầm lái và một người ngồi giữa đánh chiêng đồng trợ oai. Vào ngày hội đua ghe ngo chính thức, không khí trên sông thật náo nhiệt. Tiếng hô lấy nhịp của người bơi, tiếng hét của người điều khiển, tiếng chiêng vang dội mặt sông. Trên bờ thì không ngớt những tiếng hô cổ vũ của người xem. Ở Kiên Giang, đồng bào Khmer thường tổ chức đua ghe ngo ở sông lớn là Cái Bé. Có hai địa điểm trên con sông này thường được chọn để tổ chức. Đó là khu vực sông ở Tắc Cậu của huyện Châu Thành và thị trấn huyện Gò Quao. Người dự các đội ghe ngo hòan tòan là những nông dân Khmer cần cù, chất phát và lực lưỡng. Đội nào thắng không chỉ đem lại niềm vinh dự cho cả sóc, mà người Khmer còn tin là năm đó sẽ làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

Nguồn: Kiên Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT