Non nước Việt Nam

Lễ hội đua bò Bảy Núi - Hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer

Cập nhật: 18/09/2008 08:30:30
Số lần đọc: 1896
Hằng năm, mỗi khi nước lũ tràn về, cùng với niềm vui đón tết Đôn-ta, gần 90.000 đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi tỉnh An Giang lại háo hức chờ đợi lễ hội đua bò - một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của bà con Khmer vùng Bảy Núi.

Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer xuất phát từ phong tục: hàng năm vào mùa cấy, trai tráng trong vùng đều mang bò về cày bừa cho đất chùa, để phụ nữ cấy mạ. Dịp này, các trai làng rủ nhau dùng các đôi bò đang cày, bừa để đua với nhau, nhằm tạo không khí vui tươi trong lao động. Sau các cuộc đua, nhà chùa thường thưởng cho các đôi bò thắng cuộc. Đến năm 1992, lãnh đạo hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã xây dựng cuộc đua thành lễ hội thi đấu truyền thống, có điều lệ, thể thức thi đấu rõ ràng và được 2 huyện luân phiên tổ chức. Những năm gần đây, mỗi dịp lễ hội đua bò thu hút hàng ngàn du khách đến với An Giang.

Lễ hội đua bò không chỉ gắn với nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang mà còn là dịp để tôn vinh những chủ bò “mát tay” chăm sóc nuôi dưỡng đôi bò khỏe, dẻo sức chịu đựng và tài điều khiển của “tài xế”. Sau hội đua, giá trị đôi bò thắng cuộc cũng tăng lên rất cao.

Muốn tham gia cuộc đua, bò phải được tuyển chọn từ vòng xã, huyện mới được lên thi đấu giải cấp tỉnh. Các đôi bò đua sẽ chạy trên nền đất ruộng ngập nước, hình chữ nhật dài 160 mét, rộng 60 mét. Trong đó, đường đua chính khoảng 8 mét, xung quanh là bờ mẫu cao 1 mét để tránh cho bò chạy sai đường đua. Các đôi bò sẽ đua theo thể thức loại trực tiếp. Người ta điều khiển bò chạy 2 vòng “hô” để làm quen với đường đua, tìm hiểu đối thủ và 1 vòng “thả” chạy nhanh nước rút để về đích.

Lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức đúng vào dịp tết Đôn-ta, cũng là thời điểm kết thúc vụ sản xuất cuối cùng trong năm. Sau 16 lần tổ chức, lễ hội đã trở thành một nét văn hóa độc đáo chỉ có riêng tại vùng Bảy Núi, ngày càng hấp dẫn và thu hút được nhiều khách du lịch đến xem. Từ năm 2006, tỉnh An Giang đã quyết định nâng lên thành Lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng (tỉnh An Giang) với sự có mặt của các đôi bò từ tỉnh bạn Kiên Giang.

Lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 17 sẽ diễn ra tại sân đua bò chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) vào ngày 27/9/2008. Tại Lễ hội này, 60 đôi bò xuất sắc đến từ các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú (tỉnh An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) và đặc biệt có quận Kirivong (tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia) sẽ cùng nhau đua tài. Trước đó, người nuôi bò đua đã ráo riết tìm bò tốt để luyện tập, ráp nối, chọn ra một cặp bò ưng ý. Năm nay, trong giới nuôi bò đua đồn đãi rằng một số tay chuyên nghiệp ở các xã Văn Giáo, Vĩnh Trung, Núi Voi, Tân Lợi, An Hảo... (huyện Tịnh Biên) đã ngấm ngầm tuyển chọn được nhiều cặp bò độc chiêu, hứa hẹn sẽ đem đến trường đua những pha tranh tài quyết liệt, gây nhiều bất ngờ cho người xem.

Nhiều ngày qua, không khí tổ chức “tập huấn”, chuẩn bị lực lượng “thi đấu” đã diễn ra sôi nổi trong phum, sóc của đồng bào Khmer và cả trong xóm, ấp của người Kinh trong toàn vùng Bảy Núi. Với những giá trị văn hóa truyền thống và sức hấp dẫn vốn có, Lễ hội đua bò Bảy Núi được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch An Giang chọn làm một điểm nhấn hấp dẫn trong tour du lịch mùa nước nổi. Ngoài việc tham gia một lễ hội văn hóa lớn diễn ra ở Tri Tôn, khách du lịch còn được tham quan nhiều di tích văn hóa- lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất này như chùa Xvayton, đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc, hồ Soài So...

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT