Non nước Việt Nam

Lễ hội Đền Quát : Niềm tự hào trên quê hương danh tướng Yết Kiêu

Cập nhật: 18/09/2008 09:09:12
Số lần đọc: 2141
Mùa thu này, làng quê Hạ Bì thuộc xã Yết Kiêu (Gia Lộc) tràn ngập không khí náo nức, tươi vui trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Quát. Năm nay, Lễ hội Đền Quát có nhiều nét mới so với những năm trước.

Nhiều nội dung phần lễ và phần hội sẽ được khôi phục. Theo đó, lễ hội sẽ bao gồm: Lễ cáo yết (nghi lễ mở cửa đền); Lễ mộc dục (thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của nhân dân bản xã với Đức thánh); Lễ rước bộ; Lễ tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu; Tổ chức thi cỗ dâng Thánh (có 7 mâm cỗ hộp do các nghệ nhân làng Hạ Bì thực hiện); Hội Bơi chải (trên đoạn sông trước cửa đền với sự tham gia của 10 đội thuyền đến từ các Hà); thi bơi lội (bơi người) cùng nhiều trò chơi dân gian trong suốt các ngày diễn ra lễ hội

 

Đền Quát được xây dựng vào cuối thời Trần nhằm ghi nhớ công lao của đô soái Yết Kiêu. Danh tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), quê quán ấp Hạ Bì, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (thuộc xã Yết Kiêu - Gia Lộc ngày nay). Ông là người có công giúp Nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII với biệt tài thuỷ chiến. Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông. Theo đó, Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ. Năm 15 tuổi, trong một lần đi gánh nước, ông thấy hai con trâu trắng húc nhau ở bến sông Quát. Vốn có sức khoẻ, ông dùng đòn gánh đánh trâu. Chúng sợ bỏ chạy, ông nhặt được hai cái lông trâu, đặt xuống nước, nước rẽ làm đôi. Ông cho đây là lông trâu thần, liền nuốt vào bụng. từ đó ông có thân thể cường tráng, trí lực phi thường, bơi lội dưới nước như đi trên bờ. Trong trận chiến chống giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, Yết Kiêu nổi tiếng với chiến công dùng mũi khoan đánh chìm một đoàn thuyền chiến của giặc, bắt sống tướng giặc Phạm Nhan. Yết Kiêu đem một toán nghĩa quân, đến mai phục trong bụi lau sậy, ven bờ sông nơi đoàn thuyền giặc nguyên đậu rồi một mình ông dùng chiếc mũi khoan nhọn bằng sắt, bơi lặn khoan các đáy thuyền của chúng. Cứ khoan xong một lỗ, ông lại lấy giẻ đút nút dùng dây một đầu buộc vào nút giẻ đầu kia dòng lên bờ. Chờ cho giặc ngủ say, Yết Kiêu giật các đầu dây, nước ùa vào thuyền từng chiếc, từng chiếc thuyền bị đắm bọn giặc tỉnh dậy nhốn nhào. Yết Kiêu cho hiệu nổi quân reo còn ông nhảy lên thuyền túm cổ tên Phạm Nhan lôi tụt xuống sông, kéo hắn vào bờ. Bọn giặc trên thuyền hổn hoảng tưởng nghĩa quân đột nhập chúng túm đánh lẫn nhau, kết tục, cả đoàn thuyền của giặc đều bị chìm. Trận đánh kết thúc, nghĩa quân toàn thắng, Phạm Nhan bị chém đầu tại bãi bơi Kiếp Bạc. Vua Trần thăng cho Yết Kiêu chức “Đệ nhất bộ đô soái thủy quân”. Khi ban thưởng quyền hạn kinh tế, Vua hỏi: “Tướng Yết Kiêu muốn bổng lộc gì ?” ông thưa: "Điều thứ nhất thần xin là bệ hạ ban phúc cho dân ấp Hạ Bì được tự do hành nghề chài lượng từ đầu sông ở thượng nguồn tới cửa sông giáp biển. Thứ hai, Bệ hạ ban ơn cho mỗi hộ khi hành nghề ở đâu cũng được sử dụng 3 thước đất phơi chài nước đồ nghề và kéo sợi quay tơ, chức dịch địa phương bất đắc ngáng chở, ngoài ra thần không xin gì thêm”. Vua Trần khen Yết Kiêu là người nhân nghĩa và y ban. Từ đó, dân làng Hạ Bì làm nghề chài lưới cứ theo các triền sông trải dải ra sinh sống. Theo di ngôn thì trước kia có 9 Hà là: Lạc Thượng, Lạc Trung, Lạc Hạ, Tán Võng, Kênh Tre, Kênh Hà, Kênh Trẽ, Kênh Be và Kênh Trung. Hiện nay dân các Hà còn sinh cơ lập nghiệp ở khắp nơi tạo ra thành nhiều Hà phụ, thuộc một số xã theo các sông, lạch.

 

Đền Quát toạ lạc ở đầu làng, nằm trên gò đất cao trải bằng phẳng và rộng rãi, đồng thời cũng là nơi chôn rau cắt rốn của danh tướng. Xung quanh đều có hồ, bao bọc ba mặt. Trước cửa đền là con sông Đĩnh Đào, dòng sông chảy tới đây uốn khúc tạo thành hình cánh cung, ôm gọn khu ruộng triều phì nhiêu nối liền với cánh đồng rộng mênh mông của xã. Sở dĩ gọi là đền Quát vì do nhân dân trong làng và các bà cung tiến làm nên. Trước kia, hàng năm cứ đến kỳ hội đền từ ngày mồng 10 tháng giêng đến ngày 20 tháng giêng âm lịch dân các Hà bằng mọi phương tiện nhưng chủ yếu bằng thuyền, tấp lập về đông đủ dự hội. Chính vì thế mới có tên là Đền Quát ("Quát" có nghĩa là bao quát rộng rãi). Đền xây dựng chủ yếu bằng gạch cậy, lợp ngói mũi, cột, xà, hoành, dui... Đền có rất nhiều câu đầu, câu đối, đại tự, cửa võng, cuốn thư, đồ thờ, tượng cũng như những hình vẽ, nề đắp, chạm trổ. Trên các cổng chè, cột tháp và thân các muông chim, cầm thú, những hoa văn khắc trạm ở khắp nơi trên hình mẫu mọi vật, đặt chúng thành từng nhóm, kết hợp giữa cảnh vật với con người và thiên nhiên mọi cách đa dạng hài hoà hấp dẫn. Trải qua hơn 600 năm, qua các thời đại vương triều, đền Quát đã được nhân dân nhiều lần tu sửa tôn tạo ngày một phong phú. Đến thời Nguyễn Thiện Trị: 1841-1847 đều được tu bổ lớn. Và tiếp theo qua các thời, đền được trùng tu bổ vào các năm Tự Đức 1848-1883, Đồng Khánh 1884-1885, Khải Định 1916-1925. Qua tìm hiểu nghiên cứu 4 đạo sắc phong còn lại như sau: Sắc thời Cảnh Hưng năm thứ tư ngày 16/5/1783; thời Cảnh Thịnh thứ tư ngày 25/5/1795; thời Tự Đức thứ sáu ngày 10/11/1853; thời Khải Định thứ chín ngày 25/7/1924. Đáng tiếc là hình ảnh uy nghi, lộng lẫy của toàn bộ ngôi đền và cảnh quan xung quanh nội tự cùng phần lớn các sắc phong đến nay không còn nữa. Hàng chục sắc phong quan trọng của những thế kỷ trước đều bị thực dân Pháp cướp đi hoặc đốt phá trong trận càn ngày 14/6/1948. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tập trung vào hai nhiệm vụ cơ bản là sản xuất- chiến đấu nên không có điều kiện tu sửa. Vì vậy ngôi đền ngày càng xuống cấp. Giữa năm 1973, một cơn giông lớn đã làm sập nốt 3 gian cung. Phải đến ngày 10/10/1976, cuộc họp liên tịch giữa cấp uỷ, chính quyền xã Yết Kiêu với phòng Văn hoá huyện Gia Lộc và Ty Văn hoá tỉnh Hải Dương quyết định: Hàng năm mở hội đền truyền thống tại đền Yết Kiêu thời gian 3 ngày từ 18-20 tháng 8 âm lịch (cùng thời gian với đền Kiếp Bạc); Đền Quát cứ 5 năm sẽ mở hội lớn một lần vào các năm thứ 5 và thứ 10 của thập kỷ; đảm bảo di tích văn hoá của đền theo thời kỳ ban đầu xây dựng; tiến hành trồng cây cổ thụ, cây lấy gỗ, cây ăn quả, tiến hành thả cá ở khu hồ lớn, tăng thu nhập, góp phần kinh tế tu bổ cho đền ngày thêm khang trang phong phú. Tháng 8 năm 1976, nhân dân thôn Quát đã khôi phục lại hậu cung. Thời kỳ này do các công trình thuỷ lợi được xây dựng, dòng sông Quát  đã bị ngăn đập không còn dòng chảy như xưa nên lưu lượng nước cạn hơn, nếu tổ chức bơi chải vào dịp lễ hội truyền thống 15 tháng Giêng thì rất khó khăn vì nước cạn nên Ty Văn hoá Hải Dương lúc đó đã nhất trí cho UBND xã cho cơ sở tổ chức lễ hội vào dịp từ 14-15 tháng tháng âm lịch hàng năm. Khu di tích đền Quát đã được xếp hạng Quốc gia ngày 28 tháng 1 năm 1998.

 

Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, huyện và địa phương, khi di tích dần được củng cố, tôn tạo. Năm 2006, Nhà nước hỗ trợ giải toả 24 hộ dân đang sinh sống xung quanh khuôn viên Đền Quát, trả lại hiện trạng vốn có của Đền. Tiếp đó, UBND tỉnh đầu tư xây dựng kè lạch xanh, lạch đỏ và bờ sông Đĩnh Đào đoạn thuộc khuôn viên của đền. Chính quyền và nhân dân địa phương đầu tư cho đội bơi chải và đội vận động viên bơi lội tập luyện hàng năm với số kinh phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/năm. Đồng chí Nguyễn Hữu Lếnh, chủ tịch UBND xã cho biết: Là vùng quê nghèo, thuần nông, điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn nhưng cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trong đó tiêu biểu là Đền Quát. Việc duy trì, tổ chức tốt lễ hội hàng năm đã góp phần tạo không khí tươi vui, phấn khởi trong toàn xã, người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Nguồn: Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT