Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: Đẩy mạnh quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch

Cập nhật: 06/11/2013 10:27:04
Số lần đọc: 2576
Tối ngày 4/11/2013, tại Sân vận động Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn) đã diễn ra lễ khai mạc Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ V – Lạng Sơn 2013 và công bố Quyết định công nhận các xã An toàn khu thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Đây chính là dịp để các tỉnh Việt Bắc nói chung, Lạng Sơn nói riêng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các loại hình du lịch tiêu biểu trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ giao lưu, học tập giữa các tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư đến tham gia liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch tại các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc. Nhân dịp này, tại Lạng Sơn, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang bản sắc văn hóa các dân tộc đã được tổ chức như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI - 2013, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung 2013; trưng bày giới thiệu du lịch - ẩm thực…

 

Đối với tỉnh Lạng Sơn, lâu nay được du khách biết đến là địa phương có nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch về nguồn, du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo… Theo đó, nhiều loại hình du lịch qua quá trình khai thác cũng đã cho thấy xu hướng phát triển và thu hút du khách. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa đạng, phong phú của du khách, cũng như du lịch của nhiều địa phương khác trong cả nước, ngành du lịch Lạng Sơn đã, đang tích cực và kịp thời xây dựng được những chương trình, chiến lược, giải pháp phát triển hiệu quả, tăng tính hấp dẫn của các loại hình du lịch. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch là những hoạt động cụ thể, thiết thực.

 

Trong hành trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ V cũng cho thấy rõ điều này. Chương trình cũng đã chọn những điểm tiêu biểu của các tỉnh Bắc Kạn – Cao Bằng – Hà Giang – Tuyên Quang – Thái Nguyên – Lạng Sơn để khảo sát, tham quan. Tại tỉnh Lạng Sơn, đoàn khảo sát đến các điểm thuộc Khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) và quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc (thành phố Lạng Sơn)… Qua đó cho thấy các tỉnh Việt Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế, rất thuận lợi để khai thác phát triển du lịch; trong đó có thể phát triển các loại hình du lịch đặc trưng gắn với các vùng ATK. Cùng với đó, các tỉnh còn có các điểm tham quan hấp dẫn như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Đây là những điểm đến hấp dẫn du khách, là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành liên kết, khâu nối, hợp tác khai thác các tour, tuyến du lịch Việt Bắc đạt hiệu quả.

 

Có thể thấy, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Việt Bắc sẽ có những tác động tích cực, mang lại hiệu quả rất rõ nét. Vốn tài nguyên du lịch như cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác tại các tỉnh hết sức phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng và ngày càng cao của du khách. Đây chính là những yếu tố cơ bản để hình thành, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch… trong trước mắt cũng như lâu dài.

Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức luân phiên hằng năm sẽ là dịp tập trung quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị những di sản văn hóa quý giá của các tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) trong phát triển du lịch. Mỗi chuyến thực tế tham quan, khảo sát hằng năm trong chương trình sẽ tạo điều kiện để các tỉnh nhận rõ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mình, đặc biệt là các loại hình du lịch có xu hướng phát triển thành mũi nhọn. Từ đó, có các chiến lược, giải pháp phát triển cũng như củng cố, tập trung phát triển các khu, điểm, tuyến du lịch gắn kết giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh, thành với nhau, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc trưng của tỉnh, khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách./.

Nguồn: website báo Văn hóa

Cùng chuyên mục