Khai thác tiềm năng du lịch Bát Xát (Lào Cai)
Những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn
Từ đầu năm đến nay, Bát Xát đón 5.316 lượt khách, trong đó có 1.106 khách quốc tế. Đứng trong động Mường Vi, anh Tưởng, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: Lần đầu tiên đặt chân tới động Mường Vi, tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp diễm lệ nơi đây, hang động sâu, rộng với nhiều nhũ đá đa dạng, được hình thành từ hàng triệu năm, như một mê cung giữa núi rừng.
Theo nhận xét của những người làm du lịch chuyên nghiệp, bản Lao Chải của người Hà Nhì (Ý Tý), với những ngôi nhà hình nấm đặc trưng, được xây dựng bởi nhiều thế hệ người dân nơi đây, bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, ẩn mình bên những ngọn núi quanh năm được mây che phủ là điểm đến vô cùng thú vị với du khách. Ngoài ra, Bát Xát còn có những cánh rừng già nguyên sinh, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cùng thảm thực vật phong phú ở Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Ý Tý… cũng là những điểm du lịch sinh thái, hay những tuor trekking (du lịch đi bộ) hấp dẫn du khách quốc tế. Trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát, đại diện một số công ty lữ hành đánh giá tiềm năng du lịch của Bát Xát không hề kém Sa Pa, Bắc Hà, nếu được đầu tư một cách khoa học, bài bản, chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế - xã hội trong tương lai không xa.
Cần những “cú hích”
Ngay năm đầu (2011) thực hiện đưa các điểm, tuyến du lịch vào khai thác, Bát Xát đã đón gần 3.000 lượt khách trong và ngoài nước. Năm 2012, lượng khách du lịch đến Bát Xát tăng đột biến, với hơn 5.000 lượt, trong đó, khách nước ngoài chiến 15,7%. 10 tháng năm 2013, lượng du khách đến với Bát Xát là 5.316 lượt, trong đó 1.106 khách quốc tế. Mặc dù, du lịch Bát Xát đã có những tín hiệu vui, nhưng những gì đạt được chưa tương xứng với với tiềm năng, lợi thế.Có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển của du lịch Bát Xát, nhưng chủ yếu vẫn là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện và đại diện các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, nhiều đoạn đường trên các tuyến du lịch đều xuống cấp nghiêm trọng, đi lại khó khăn. Đặc biệt, đoạn từ trung tâm xã Mường Hum đi Bản Xèo, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo từ lâu, nhưng đến thời điểm này gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Một số tuyến đường trước đây đã được nâng cấp, sửa chữa, nhưng gần đây đã có dấu hiệu xuống cấp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn yếu, mặc dù đã có một số nhà nghỉ ở các điểm du lịch, nhưng vẫn khiêm tốn so với nhu cầu, chất lượng chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ và không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 10 cơ sở lưu trú (homestay) tại các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện Bát Xát.
Nguồn nhân lực phục vụ tại các tuyến, điểm du lịch còn thiếu và yếu, người dân chưa ý thức được mục tiêu cũng như hiệu quả mà du lịch mang lại cho cộng đồng, làng, bản. Công tác bảo vệ cũng như tôn tạo những điểm, tuyến du lịch chưa được chú trọng. Thủ tục đăng ký cho du khách nước ngoài đến tham quan các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện còn phức tạp, chưa cụ thể, còn chịu sự quản lý của nhiều ban, ngành…
Bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát cho biết: Mặc dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng việc phát triển du lịch Bát Xát vẫn gặp khó khăn. Địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành liên quan, cùng các đơn vị lữ hành để du lịch Bát Xát phát triển nhanh và bền vững trong tương lai./.