Khám phá những nét độc đáo của di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)
Đó là các quần thể như đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, đền thờ Trần Khát Chân, động Hồ Công, chùa Du Anh, quần thể di tích Phủ Trịnh-Nghè Vẹt, chùa Giáng và các ngôi nhà cổ điển hình cho lối kiến trúc, điêu khắc của cư dân đồng bằng sông Mã.
Với lợi thế này, ngành du lịch Thanh Hóa đặc biệt chú trọng gắn loại hình du lịch văn hóa với du lịch tâm linh để thu hút du khách đến với di tích tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này.
Tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuần lễ văn hóa với chủ đề “Không gian di sản văn hóa Việt Nam-ASEAN"; phối hợp với Trung tâm bảo tồn Hoàng thành Thăng Long tổ chức trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Thành nhà Hồ hai di sản đặc sắc của Việt Nam," góp phần thu hút du khách đến Thành nhà Hồ nhiều hơn, trong đó có khách du lịch tâm linh.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã hình thành các tour, tuyến du lịch thường xuyên với tần suất 3 chuyến/tuần.
Với những nỗ lực trên, từ sau khi Thành nhà Hồ đón nhận bằng di sản thế giới đến nay, lượng khách đến Thành nhà Hồ đã tăng 2,5 lần so với trước, trong đó lượng khách quốc tế có chiều hướng tăng cao hơn, đặc biệt là khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản... Trong 9 tháng năm 2013 đã có gần 50.000 du khách đến với Thành nhà Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết có tới 80% du khách khi đến tham quan kiến trúc thành đá Nhà Hồ đều đến các điểm du lịch tâm linh trong khu vực thành và vùng phụ cận.
Vì vậy, việc phát triển du lịch tâm linh trong vùng quy hoạch Thành nhà Hồ cũng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, làm đa dạng loại hình du lịch và góp phần "giữ chân" du khách lâu hơn khi đến tham quan du lịch Thành nhà Hồ.
Hiện nay, số lượng du khách đến Thành nhà Hồ còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do các công ty du lịch chưa làm tốt công tác kết nối các tour, tuyến du lịch, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Du khách khi đến Thành nhà Hồ chưa có chỗ ăn, nghỉ tiện lợi.
Để khắc phục tình trạng trên, từ nay đến năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ phối hợp với Ủy ban UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành quy hoạch tổng thể khu di sản thế giới Thành nhà Hồ với diện tích 5.234ha, trong đó vùng lõi của Thành nhà Hồ có diện tích 155,5 ha với 3 bộ phận chính gồm La thành, Hoàng Thành và Đàn tế Nam Giao.
Sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ có cơ sở xây dựng hạ tầng giao thông, khu vực lưu trú, điểm ăn, nghỉ của du khách... để thu hút du khách đến tham quan Thành nhà Hồ được đông đảo hơn.
Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2012.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã phối hợp với Ủy ban UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai quật để phát lộ tổng thể toàn bộ kiến trúc Đàn tế Nam Giao. Qua đó, du khách đến tham quan sẽ có cái nhìn tổng quan về lễ tế giao của vương triều Hồ.
Tại Đàn tế Nam Giao, qua đợt khai quật lần đầu du khách đã có thể hình dung 5 cấp nền của đàn tế, phát lộ vị trí viên đàn (trung tâm của đàn tế Nam Giao), khu vực tế thần sông, thần núi, khu vực giếng vua cung cấp nước cho lễ tế. Việc khai quật cũng đã phát hiện bộ hài cốt trâu trấn yểm long mạch của đàn tế.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cũng đang trùng tu, sửa chữa đền thờ nàng Đình Khương trong quần thể Thành nhà Hồ, xây dựng hồ sơ khoa học Đền thờ Trần Khát Chân (đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia) ở xã Vĩnh Thành để bổ sung vào di tích di sản thế giới Thành nhà Hồ nhằm tạo thêm điểm thu hút khách du lịch tâm linh./.