Hoạt động của ngành

Bạc Liêu tập trung khai thác tốt tiềm năng du lịch

Cập nhật: 28/11/2013 14:20:18
Số lần đọc: 3199
Bạc Liêu là vùng đất trẻ được khai mở vào cuối thế kỷ 17, phù sa bồi đắp do hành trình của dòng hải lưu Bắc Nam tạo thành những dòng đất cát màu mỡ cho cây ăn trái sum xuê tươi tốt. Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Bạc Liêu đã và đang gặt hái nhiều thành công, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bạc Liêu tích cực khai thác nét độc đáo riêng của từng điểm đến, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có Nghị quyết riêng cho phát triển du lịch, Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu “về đẩy mạnh phát triển du lịch”. Sự hân hoan, phấn khởi từ Nghị quyết này càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, một “đường băng” mới đã mở du lịch tỉnh nhà khi có chủ chương mang tính đột phá của Tỉnh ủy là “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” – điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ văn hóa phục vụ cho sự phát triển của Bạc Liêu. Xác định được hướng đi mới với tiềm năng sẵn có thì du lịch như được chắp thêm “đôi cánh” để Bạc Liêu “bay” xa hơn, cao hơn trên  “đường băng” du lịch.

Với hơn 40 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị tham quan, nghiên cứu, điều này chính là lợi thế của Bạc Liêu để khai thác phát triển du lịch như: Đền thờ Bác Hồ xã Châu Thới; Khu di tích lịch sử Nọc Nạng; Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc huyện Vĩnh Lợi; Bia chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu; Thành hoàng cổ miếu; Phước đức cổ miếu; Đình An Trạch; Chùa Cỏ Thum; Khu căn cứ Tỉnh ủy… đây được xem là những “địa chỉ đỏ” cho du khách muốn tìm hiểu và khám phá. Bên cạnh những văn hóa phi vật thể, Bạc Liêu còn là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu. Như sống lại hồn Cao Văn Lầu…”, loại hình nghệ thuật này đang ngày một phát triển ngay trên quê hương bác Sáu Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang – “bài ca vua” của sân khấu cải lương làm say đắm lòng người mộ điệu. Nâng cao phong trào này thành một sản phẩm văn hóa độc đáo gắn liền với phát việc phát triển du lịch, đồng thời giữ gìn “món ăn tinh thần” của người dân Nam Bộ và cũng là tiếng lòng của người phương Nam.

Tiềm năng du lịch Bạc Liêu còn được biết đến là vùng đất của văn hóa tâm linh, nơi hội tụ nét đẹp tâm linh tín ngưỡng văn hóa truyền thống dân gian. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lễ hội được diễn ra, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, như: Lễ hội Quán âm Nam Hải; Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Lễ hội Nghinh ông… Chiều sâu của Lễ hội, đó là sự nhắc nhở về nguồn cội. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện chủ trương phát triển văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Và là dịp để mọi người giao lưu, cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và khát vọng cao đẹp, chúc phúc, cầu an. Bạc Liêu có ngôi tháp cổ được gắn liền với cuộc sống của cư dân trong vùng Vĩnh Hưng qua nhiều thế hệ. Đây là di tích kiến trúc cổ có giá trị về mặt nghệ thuật, văn hoá của người Khmer Nam Bộ, là kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời hậu kỳ của văn hóa Óc-Eo, tháp cổ càng cổ kính hơn khi rêu phong như màu thời gian phủ trùm lên tháp cổ. Ngôi tháp có khối hình trụ với dấp dáng  kiêu sa, khoác lên mình sự huyền bí với biết bao câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng. Hiện nay tháp cổ Vĩnh Hưng đang được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của di tích tháp cổ nhằm tạo ra môi trường tham quan, du lịch độc đáo của địa phương. Vậy là, sau ngần ấy năm yên lặng chịu rêu phong, Tháp cổ Vĩnh Hưng ngày nay như được tiếp thêm một sức sống mới, khi đón nhận được sự đồng cảm từ con người.

Về văn hóa ẩm thực, quá trình cộng cư lâu dài của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, sự hòa quyện của văn hóa tạo thành một dấu ấn khó phai trong lòng du khách, bạn bè gần xa khi đã một lần đến với Bạc Liêu. Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa ẩm thực của Bạc Liêu. Thưởng thức món bánh xèo đặc trưng miệt vườn dưới bóng cây trong vườn nhãn cổ hơn trăm tuổi rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km, cho vị đậm đà càng nồng nàn hơn khi nhấp ly rượu nhãn độc đáo của địa phương; bún nước lèo là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer, hương mắm, nước dừa thơm lừng hòa với vị mặn sánh dịu ngọt của mắm, sợ bún dai, rau sống giòn tan, rau mùi thơm, ớt bằm…, tất cả làm nên tô bún nước lèo đặc sắc của vùng đất Bạc Liêu; bún bò cay với nguyên liệu chính là thịt bò và sa tế, tạo cho món ăn có hương vị đặc biệt và cay nồng; bánh tằm Ngan Dừa được ví như “cuộc đời thứ hai” của gạo. Vì từ gạo một bụi đỏ, thương hiệu gạo nổi tiếng của huyện Hồng Dân, một lần nữa chính những người yêu lao động này đã cho ra đời những sản phẩm sau gạo ngon lạ hấp dẫn. Phong cách người Nam bộ còn thể hiện đậm nét trong văn hóa ẩm thực ở Bạc Liêu, những món ăn đặc trưng của vùng sông nước. Người Bạc Liêu nghĩ ra nhiều cách chế biến và bảo quản thức ăn từ nguyên liệu tươi sống, ngoài các món ăn tươi còn làm khô, làm mắm. Đặc biệt món mắm chua không xương, ba khía muối, dưa bồn bồn…  luôn là những món ăn “khoái khẩu” của nhiều người. Điều này cho thấy người Bạc Liêu luôn hướng đến tương lai tốt đẹp bằng sức lao động chân chính, bằng sự sáng tạo không ngừng.

Tạo thế mạnh cho phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến và sử dụng các dịch vụ du lịch, Bạc Liêu đang từng bước nâng cao tính văn minh, chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Bạc Liêu đặt trọng tâm là phải xây dựng con người Bạc Liêu với phong cách ứng xử văn hóa, văn minh, lịch thiệp, nhất là trong giao tiếp, cung cách phục vụ ở những điểm khách du lịch dừng chân tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng… Văn hoá ứng xử tại các điểm tham quan du lịch được nâng lên, mỗi người dân tại điểm tham quan thực sự trở thành một hướng dẫn viên, một “sứ giả” du lịch. Tất cả những điều đó sẽ mãi đọng lại trong lòng du khách khi cảm nhận được sự đổi thay tích cực của vùng đất trẻ, tình đất tình người Bạc Liêu chắc chắn sẽ làm lưu luyến bước chân bạn bè, du khách gần xa. Quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là mục tiêu, là động lực làm “nền tảng” để Bạc Liêu trù phú xa xưa ngày càng phát triển và bứt phá đi lên, đáp ứng với vai trò là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu. 

Không thụ động, trông chờ vào lợi thế sẵn có mà luôn trăn trở để tìm cách khai thác, khơi dậy những tiềm năng về tài nguyên văn hóa, lịch sử. Du lịch Bạc Liêu trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng của các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng để phát triển loại hình du lịch lịch sử tâm linh; đầu tư khai thác các khu, điểm du lịch sinh thái, mở rộng loại hình du lịch làng nghề. Đánh giá những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và sự ưu đãi của thiên nhiên, Bạc Liêu đã đầu tư, tu bổ cải tạo, trùng tu các khu, điểm di tích lịch sử - văn hóa, phát triển mở rộng các làng nghề, duy trì các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian... Qua đó, tạo tiền đề để từng bước hình thành và phát triển ngành dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, thu hút khách thập phương.

Để phát huy tối đa lợi thế đó, Bạc Liêu khai thác những điểm đến tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch bằng những bước đi vững chắc là xây dựng các đề án về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch có tầm nhìn xa, rộng nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Vùng đất Bạc hiền hòa luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách bằng sự hiếu khách, hào phóng, nghĩa tình… đó chính là vẻ đẹp, cốt cách của người Bạc Liêu, “cất cánh” tiềm năng du lịch văn hóa, có các lễ hội đặc sắc, có giai thoại về Công tử Bạc Liêu”, réo rắt tiếng đờn tài tử, văn hóa ẩm thực hấp dẫn, con người thân thiện và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Du lịch và văn hóa luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di sản văn hóa được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để Bạc Liêu xây dựng sản phẩm du lịch để Bạc Liêu luôn tự hào là “Điểm hẹn văn hóa”./.                                            

 

Nguồn: svhttdl.baclieu.gov.vn

Cùng chuyên mục