Khám phá du lịch Yên Bái
Ở đó, bạn nhớ ghé thăm mênh mông hồ Thác Bà, thăm vùng đất Văn Chấn với vô vàn huyền thoại, thăm những tràn ruộng bậc thang hệt như vân tay của trời nơi trên miền núi cao La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) đã được xếp hạng di sản Quốc gia... và hơn hết, về đây để hoà mình vào không khí lễ hội, hội xuân của đồng bào các dân tộc đầy bản sắc...
Đầu tiên, hãy bắt đầu cuộc hành trình từ thành phố Yên Bái. Đầu năm trẩy hội đền chùa là mỹ tục ngàn đời của người Việt Nam. Ở đó, chúng ta sẽ dành một chút tĩnh tâm để vãn cảnh và đến dâng hương các di tích lịch sử, văn hoá tôn nghiêm như chùa Ngọc Am, chùa Vạn Thắng, Đền Tuần Quán, Nhà tưởng niệm chí sỹ Nguyễn Thái Học và xuôi mươi cây số để thêm một lần được tỏ lòng thành kính ở Đền thánh Mẫu Âu Cơ linh từ... Ở đó chúng ta sẽ có những khoảnh khắc thư thái và gửi những ước muốn tốt lành trong sự linh nghiệm cho những ngày đầu xuân mới.
Rong thuyền trên hồ Thác Bà giữa ngày xuân, thấy đất, trời thật mênh mang yên lành đến lạ. Tự dưng lòng ta bỗng xao xuyến vọng về âm hưởng bài hát: "Đêm trên hồ Thác Bà" của nhạc sỹ Phùng Chiến mà mấy mươi năm qua rồi, vẫn còn mãi vang ca: "Một hồ nước trong/ đêm buông đầy sao trời/ nghe mặt hồ xao động... Nghe vang vang trên hồ Thác/ sóng cá về đàn cá bơi...". Cứ thế, sóng nước Thác Bà cứ quyện mãi trong tâm hồn ta giai điệu cuộc sống rộn rã tươi trẻ. Cùng với khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của vùng hồ Thác Bà, đến đây, du khách còn có dịp thưởng thức những sản vật ở những phiên chợ quê ven hồ của cư dân một vùng sông nước. Nếu có thời gian, bạn có thể tham dự một vài lễ hội của người dân địa phương quanh vùng như: Hội Lồng Tồng của người Tày, Hội Cúng mùa của người Dao... với ước mong được các thần linh che chở, hứa hẹn một năm no đủ hạnh phúc.
Rong tiếng trống hội tưng bừng ấy, các chàng trai người Thái, Mường, Mông, Dao thể hiện các điệu múa khèn, múa trống điệu nghệ của dân tộc mình rộn rã âm hưởng xuân. Các thiếu nữ trong trang phục dân tộc đẹp như những bông hoa rừng ngời sắc. Thiếu nữ Thái thì căng tràn sức trẻ trong dáng áo cỏm thắt đáy lưng ong mềm mại và chiếc váy nhung huyền, các cô gái Mông xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm rực rỡ, cô gái Dao, Khơ Mú nền nã trong bộ váy áo lạ cả về kiểu dáng và sắc màu... Mỗi nét hoa văn trang trí, mỗi trang phục thể hiện được bản sắc, phong tục tập quán của từng dân tộc, đồng thời còn thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người phụ nữ, cũng là nét văn hoá độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc, đã khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng, xao xuyến đắm say bao trái tim của du khách thập phương. Đặc biệt là du khách sẽ được thưởng thức màn Hạn Khuống, tái hiện một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái Mường Lò. Ở đó, những chàng trai cô gái, từ làng xa, bản gần tụ hội về đây trong cuộc đua tài vui hát giao duyên, cùng đắm say trong đêm hội tình yêu. Những khúc tình ca trong sáng, bay bổng mà mộc mạc thiết tha thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Thái: "Anh từ bản xa nhìn thấy ánh lửa/ Đã thấy sàn hoa và bóng áo chàm của em/ Lòng anh xôn xao như thắp lửa/ Em đẹp như nhành hoa Ban giữa rừng..." Đến Mường Lò không chỉ được hoà mình vào những đêm hội mà có dịp thưởng thức các món ăn đặc sắc của nơi xứ sở này để biết thế nào là dẻo thơm của gạo nếp Tú Lệ, cá suối nướng, rêu đá, rồi vị cay nồng của “mắc khén” (quản sẻn), canh đắng “khăm kìa” (cơm kìa)... khi xa còn ấm nồng trên môi.