Khám phá quần thể danh lam thắng tích trên đất Kiến An – Hải Phòng
Đền Tây Sơn, Kha Lâm, Kiến Vũ: Thờ công chúa Chiêu Chinh, Bà là người phụ nữ tài sắc, có công giúp vua cha Trần Nhân Tông chiêu mộ quân chống giặc Mông - Nguyên, giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống no ấm. Hàng năm, cứ đến ngày sinh của Bà 6/12 âm lịch, nhân dân địa phương mở hội tưởng nhớ công đức Bà và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, đấu võ... Các đền Tây Sơn và Kha Lâm đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.
Đền Quy Tức: Thờ Chiêu Hoa Công chúa thời Trần, người có công khai phá đất đai vùng núi Đào Lĩnh. Tương truyền, bà Chiêu Hoa đã cắm lá cờ liễn trên ngọn núi Đào Lĩnh làm chỉ giới. Do đó, núi còn có tên là núi Phù Liễn. Sau này khi vua Trần Nhân Tông (khi còn là thái tử) đi thị sát vùng này đã cho dựng cột treo cờ Đại Việt lên cao, nên có thêm tên núi Cột Cờ. Đền còn giữ nhiều đồ tế khí cổ, 7 đạo sắc phong và quả chuông đồng nặng 300kg có từ thời vua Quang Trung. Dân mở hội vào ngày 12/01 âm lịch với các trò chơi dân gian: đập niêu, đấu vật, chọi gà, đánh cờ người và diễn chèo về sự tích ngôi đền.
Đền Linh Sơn: Gắn với sự tích Đức Trần Hưng Đạo trên đường thị sát thế trận Bạch Đằng qua đây đã cắm thanh kiếm lệnh xuống đất, thề quyết diệt giặc Mông - Nguyên.
Đình Mỹ Khê: Ngôi đình cổ duy nhất còn lại trong vùng. Kiến trúc kiểu chữ Đinh, từ đầu thời nhà Nguyễn. Đình còn giữ nhiều đồ tế khí cổ như: lọng, long đình bát biểu, trống, chiêng, bộ kiếm của danh tướng Cao Sơn thời vua Hùng thứ 18 và bản thần phả ghi công trạng của ông. Cảnh quan đình rất đẹp, là di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng.
Đình Trữ Khê: Hiện còn 10 đạo sắc phong của triều Nguyễn, có 2 cây đại thụ hàng trăm năm tuổi.
Chùa Lũng Tiên: Có từ thời Hậu Lê, giá trị lớn về lịch sử, văn hoá, kiến trúc. Chùa có vườn tháp. Ngôi chùa uy nghi bề thế, tháp chuông cao, hiện còn lưu giữ tấm bia cổ ghi lại việc dựng chùa.
Đình Đại Giác: Kiến trúc theo mô hình cách tân vào năm 1940, theo hình chữ công.
Chùa Vĩnh Phúc: Có từ đời vua Lê Dụ Tông thế kỷ 18. Cảnh quan đẹp. Được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.
Chùa Bảo Minh (Chùa Quỳnh): Xây dựng thời Hậu Lê. Còn giữ được quả chuông đồng đúc từ thời vua Minh Mạng, có tháp đá xanh mang đặc trưng kiến trúc tôn giáo.
Chùa Hồng Phúc: Xây dựng vào đầu thế kỷ 20, có cây Ngọc lan trăm tuổi, bốn mùa hương thơm toả ngát.
Nghĩa trang Cựu Viên: Tên cổ là nghĩa trang Thượng Chất. Có hàng ngàn ngôi mộ người Hoa an táng từ lâu đời, mang sắc thái tâm linh và kiến trúc cổ Trung Hoa. Vào những ngày lễ tết, thanh minh, đây là địa chỉ của khách hành hương Trung Quốc tìm về với cha ông. Theo thuyết phong thuỷ của người Trung Hoa, đây là đất đắc tài, đắc lộc để an táng vĩnh viễn người thân./.