Non nước Việt Nam

Lễ hội Đến Lăng Sương (Phú Thọ)

Cập nhật: 24/02/2014 10:36:41
Số lần đọc: 2018
Với bề dày lịch sử lâu đời và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc còn lưu giữ cho đến ngày nay, đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy) là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên đất Phú Thọ, cũng như hành trình về với cội nguồn dân tộc. Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng giêng, lễ hội đền Lăng Sương lại thu hút một lượng du khách khá lớn từ các địa phương lân cận về bái lễ, tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu và Đức Thánh Tản Viên.

Trong tiết xuân se lạnh, lất phất mưa phùn, bà con khắp nơi đổ về đền Lăng Sương, ngôi đền cổ kính nằm trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt, Tản Viên là người con rể tài ba của Vua Hùng thứ 18, người đã có công dạy dân trị thủy, giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, được nhân dân suy tôn là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử”. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước…

Hàng năm đền Lăng Sương mở lễ hội cổ truyền vào 25 tháng 10 âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) và rằm tháng giêng - giỗ chính (là ngày sinh Thánh Tản). Bà con nơi đây cho biết: Làng xóm xung quanh đền rậm rịch mở hội từ trong Tết. Nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội, không khí náo nức rộn ràng tràn ngập khắp nơi.

 

Phần lễ của ngày giỗ chính được tiến hành long trọng đậm nét cổ truyền. Sau lễ cáo tế vào ngày 14 để xin phép thần cho được mở hội, sáng ngày 15 tháng giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước của xã kéo quân từ Đền ra sông Đà với mục đích là lấy nước sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước của người Việt xa xưa. Đoàn rước có 100 thanh niên trai tráng rước 3 kiệu là kiệu rước hoa quả, kiệu rước nước, kiệu rước lư hương, 8 người khiêng một kiệu (bát cống), có phường bát âm, múa lân tưng bừng rộn rã. Dân làng hòa vào đoàn rước kín chật đoạn đường gần cây số từ đền ra sông. Khi về đến Đền, sau lễ tế chính đầy linh thiêng, 8 dòng họ trong xã lần lượt vào tế. Cuối cùng là quan khách thập phương vào thắp hương bái lễ cầu cho một năm mới an lành, phát đạt.

Phần hội với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, đu tiên, đấu vật, chọi gà, kéo co và các hoạt động giao lưu hàng hóa, văn nghệ được tổ chức náo nhiệt, cuốn hút người dân và du khách gần xa hòa vào không khí rộn rã của lễ hội ngày xuân. Đây còn là nơi trai gái xa gần có dịp gặp gỡ, bà con được chơi xuân, trẻ nhỏ được tìm hiểu về truyền thuyết của dân tộc.

Lễ hội đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản sông Đà. Lễ hội là sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể hiện còn được bảo tồn trên quê hương đất Tổ. Quan trọng hơn, lễ hội đã giúp đông đảo du khách mọi miền khắc sâu thêm truyền thống trọng tình, tri ân công đức những người có công với quốc gia, dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân cho một năm lao động sản xuất xây dựng cuộc sống giàu đẹp thắng lợi. Trống hội tưng bừng rộn rã. Nắng xuân sưởi ấm lòng người. Cờ hội tung bay trong gió. Lăng Sương hội mở…/.

 

Nguồn: phutho.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT