Non nước Việt Nam

Tưng bừng lễ hội chọi bò Bảo Lâm (Cao Bằng)

Cập nhật: 21/02/2014 08:11:25
Số lần đọc: 2678
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về khi hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở rộ trên cành, đồng bào các dân tộc tỉnh miền núi Cao Bằng lại dìu dắt nhau về trẩy hội thi bò đẹp, chọi bò u tại thị trấn Pắc Miều, huyện Bảo Lâm vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hằng năm.

Với đồng bào các dân tộc nơi đây, chọi bò là lễ hội lớn nhất trong năm, nơi để họ thể hiện thành tựu chăn nuôi bò, huấn luyện bò chọi hằng năm từ những cặp bò đẹp, những đấu sĩ bò u trên sới chọi. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông coi chọi bò là một nét văn hóa truyền thống đã trở thành nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện đức tính cần cù lao động sáng tạo, huấn luyện bò chọi.

 

Chúng tôi có mặt tại thị trấn Pắc Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, dưới cơn mưa xuân nặng hạt. Nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng 180 km, thị trấn Pắc Miều hàng ngày vốn tĩnh mịch bên những ngọn núi đá lãnh lẽo, nhưng hôm nay hàng ngàn người dân và du khách thập phương đổ về tấp nập trên những con đường chật kín người và xe cộ. Đâu đâu cũng phấp phới những bộ váy, áo hoa lộng lẫy của các cô gái, chàng trai dân tộc Mông, Lô Lô, Sán Chỉ… đến vui hội chọi bò.

 
Đây là lần thứ VII lễ hội được tổ chức để người chăn nuôi bò gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi phát triển đại gia súc nói chung và đàn bò nói riêng ở địa bàn khu dân cư, góp phần động viên bà con hăng hái lao động sản xuất, phát triển đàn bò để xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.


Sau các vòng thi tuyển chọn cấp xóm, xã, năm nay Ban tổ chức đã chọn ra 32 đấu sĩ bò chọi gặp nhau tại vòng chung kết với hai hạng cân. Hạng A là 16 chú bò có cân nặng từ 430 kg trở lên, hạng B có cân nặng từ 429 kg trở lại.


Bước vào sới chọi, sau khi chủ bò tháo dây xỏ mũi, từ hai phía sân đấu, hai đấu sĩ bò đâm sầm vào nhau với những miếng đánh móc hầu, bỏ lao ngoạn mục… Trên khán đài, hàng ngàn người vỗ tay reo hò cổ vũ cho các đấu sĩ bò trước những cú đánh nảy lửa trên sân. Ngoài phần thi chọi trên sân, Ban tổ chức còn tổ chức chấm thi bò đẹp với 11 cặp bò mẹ con, nhằm khuyến khích, động viên công lao chăm sóc bò của bà con với các tiêu chí như bò có vóc dáng to lớn, thể chất khỏe mạnh, béo tốt, màu sắc đặc trưng của giống…


Sau nhiều vòng đấu, giải nhất bò chọi thuộc về bò số 3A cân nặng 562 kg của ông Lý Văn Sình, thôn Nặm Nòong, xã Quảng Lâm; giải nhì thuộc về bò số 14A của chủ bò Triệu Chài Khuôn, xóm Phiêng Vai, xã Vĩnh Phong. Ở hạng B, giải nhất thuộc về bò số 12B của ông Lý Văn Dinh, Nặm Nòong, xã Quảng Lâm; giải nhì thuộc về bò 11B của chủ bò Lầu Văn Tu, xóm Nà Miềng, xã Nam Quang.

Trong phần thi cặp bò mẹ con đẹp, giải nhất thuộc về cặp bò của ông Hoàng Văn Sinh, xóm Mảy Rai, thị trấn Pắc Miều; giải nhì thuộc về cặp bò của ông Hoàng Ché Tu, Đon Sai, xã Mông Ân. Bò chọi có thể hình đẹp thuộc về bò của ông Hoàng Văn Sung, khu 1, thị trấn Pắc Miều.


Khác với các lễ hội chọi trâu ở các vùng miền là trâu chọi xong dù thắng hay thua đều thịt để bán cho du khách thập phương về chơi hội thì tại lễ hội chọi bò Bảo Lâm, những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội vẫn sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau đem đến trổ tài. Nhờ vậy mà đồng bào giữ được gen bò tốt, lai tạo ra nhiều con giống khác có chất lượng tốt, duy trì đàn bò ngày càng nhiều hơn. Đến hội xuân năm sau, những đấu sĩ bò chọi này cùng những cặp bò mẹ con đẹp lại cùng bà con rời bản làng xuống núi để đến với sới chọi, đem đến cho người xem những màn thi đấu hay nhất.


Theo ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội chọi bò được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích bà con phát triển đàn bò theo dự án phát triển giống bò u của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Nhờ có lễ hội này mà trong vài năm trở lại đây, đồng bào ngày càng tích cực chăn nuôi bò để xóa đói giảm nghèo, tốc độ đàn bò tăng lên nhanh chóng, hiện đã đạt trên 38 nghìn con, phong trào nuôi bò u tại các thôn, xóm ngày càng sôi nổi.


Anh Lý Văn Sinh, người vinh dự có bò đạt giải nhất năm nay cho biết đây là lần thứ hai mình đạt giải nhất trong cuộc thi chọi bò. Giải nhất mỗi năm chỉ có khoảng 15 triệu đồng, nhưng giải thưởng là không quan trọng đối với người Mông. Có bò chọi đem đến thi đấu tại giải là một niềm hãnh diện dù thắng hay thua, để khoe tài chăm sóc bò của mình, xem những màn “đấu võ” của bò mình với bò của các thôn xóm khác, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bò chọi, chọn bò đẹp để chăn nuôi xóa đói giảm nghèo./.
Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT