Non nước Việt Nam

Lễ cấp sắc độc đáo của dân tộc Dao ở Tuyên Quang

Cập nhật: 18/02/2014 08:18:32
Số lần đọc: 1850
Đồng bào dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang có 77.015 người, chiếm hơn 11% dân số, đứng thứ 3 về dân số trong số 22 dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang (sau dân tộc Kinh, Tày).

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc mai một dần, nhưng đồng bào dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang vẫn gìn giữ được lễ cấp sắc – một nghi lễ không thể thiếu để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 9 ngành Dao, mỗi ngành sống cộng cư với các dân tộc khác ở một vùng nhất định. Trong đó, ngành Dao Quần chẹt, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Quần trắng, Dao Ô gang sống tập trung ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương; Dao Đỏ, Dao Thanh y, Dao Tiền, Dao Áo dài sống tập trung ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên.


Đến xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, những ngày này, đồng bào dân tộc Dao nơi đây rất phấn khởi vì lễ cấp sắc của dân tộc mình vừa được Bộ Văn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Thầy cả Chu Văn Bích, người cúng chính của lễ cấp sắc, xã Thái Hòa cho biết: Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy tên gọi quá tang có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, soi sáng người được thụ lễ trong tiến trình cấp sắc. Ngoài ra, ở một số ngành Dao, địa phương khác nhau lễ cấp sắc còn có tên gọi khác là say cháy, tẩu sai, lập tịch…

 
Cũng theo Thầy cả Bích, về sự tích lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng, ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao.

Còn ông Triệu Văn Tàn, dân tộc Dao Đỏ, thôn Cốc Khuyết, xã Yên Hoa, huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết: Lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng giêng (âm lịch). Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ...


Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, gồm 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Thầy chính thứ nhất (thầy cả) thường mặc áo tạo - loại áo thêu hình rồng và nhiều họa tiết trang trí, thầy thứ 2 mặc áo vàng, thầy thứ 3 mặc áo đỏ; 3 thầy phụ giúp các thầy chính mặc áo, thay áo trong quá trình thực hiện nghi lễ.


Trình tự lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ nhất lễ cấp sắc diễn ra ở ngoài trời, ngày thứ 2 người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, thầy cả đọc lệnh cấp sắc, lúc này người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Sau đó, người thụ lễ được các thầy dạy múa như múa chùm cheng (múa chuông), múa sa ma. Ngày thứ 3, tiến hành lễ tạ ơn tổ tiên.


Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang. Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng: Thầy cúng, ông mối làng… Trong những năm qua, các cấp các ngành trong tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và lễ cấp sắc cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.


Để tiếp tục bảo tồn và phát huy nét độc đáo của nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, ngành văn hóa tỉnh Tuyên Quang có những giải pháp cụ thể, thiết thực như tổ chức các buổi ghi hình, ghi âm, viết sách và lập hồ sơ chi tiết về lễ cấp sắc để lưu giữ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp cận những lễ cấp sắc của người Dao tại cơ sở để hướng dẫn loại bỏ những yếu tố rườm rà, có tính chất mê tín, chỉ kế thừa và lựa chọn những yếu tố, chi tiết có nhiều giá trị về nhân văn để tiếp tục phát huy lễ cấp sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT