Hoạt động của ngành

Khảo sát du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Cập nhật: 28/02/2014 11:51:15
Số lần đọc: 1341
(TITC) - Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đồng thời nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954/ - 7/5/2014), Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phối hợp với Dự án EU tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng từ ngày 16 đến 22/2/2014.

Mục đích của chuyến khảo sát lần này là để giới thiệu các điểm du lịch mới, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa đến các tỉnh Tây Bắc.

 

Tham gia đoàn khảo sát có 60 thành viên là đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), Dự án EU, các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên các báo đài.

 

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Tây Bắc là khu vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sắc màu văn hóa đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện và mến khách. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều di tích lịch sử ghi lại những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được khai thác một cách bài bản, có hệ thống và hiệu quả. Do đó, việc tổ chức những chuyến khảo sát thực tế sẽ góp phần đưa sản phẩm du lịch đến với thị trường, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo hướng bền vững.

 

Trong thời gian 6 ngày, đoàn khảo sát đã đi tham quan các điểm du lịch tại 5 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái.

 

Tại buổi gặp mặt đoàn khảo sát, ông Bùi Văn Tỉnh – Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu tiềm năng du lịch và những chính sách ưu đãi của tỉnh cho phát triển du lịch. Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đưa khách du lịch đến trải nghiệm vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa Mường.

 

Sau buổi gặp mặt, đoàn khảo sát đã tới tham quan xóm Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong); xóm Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) và bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu).

 

Đoàn khảo sát cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La để đánh giá tình hình phát triển du lịch, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới. Mặc dù có tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng song khó khăn mà du lịch Sơn La đang phải đối mặt cũng không ít. Sau khi khảo sát một số điểm du lịch tại đây như Đồi thông bản Áng, lòng hồ thủy điện Sơn La, đền thờ Vua Lê, di tích nhà ngục Sơn La…, nhiều giải pháp thiết thực đã được các doanh nghiệp lữ hành đề xuất nhằm phát triển du lịch địa phương.  Không phải là tỉnh có nhiều tài nguyên du lịch phong phú như các tỉnh Tây Bắc khác nhưng Điện Biên lại sở hữu một tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, được nhân dân cả nước tự hào và bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đó chính là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động, hồ nước, nước khoáng… thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để phát triển du lịch bền vững, ngoài việc phát huy giá trị của những di tích lịch sử cách mạng Điện Biên Phủ, Điện Biên cần có chương trình hành động mạnh mẽ hơn để thu hút du khách, có kế hoạch phát triển lâu dài và cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở VHTTDL Điện Biên cần rà soát lại hoạt động kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cơ sở lưu trú một cách tốt nhất phục vụ du khách khi lên với Điện Biên.

 

Tại các tỉnh Lai Châu và Yên Bái, đoàn khảo sát cũng đã tham quan và đánh giá cao các điểm du lịch tiêu biểu ở đây như Sìn Hồ, Mù Cang Chải. Nếu biết khai thác, các công ty du lịch hoàn toàn có thể đưa khách du lịch đến với vùng đất này.

 

Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp đều có những đánh giá tích cực về tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng này thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn thì cần có sự góp sức của cả cộng đồng. Chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển du lịch có trách nhiệm, trích vốn đầu tư thích đáng cho ngành công nghiệp không khói này, khuyến khích phát triển các cơ sở lưu trú đạt chuẩn, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc những quyền lợi khi đồng hành làm du lịch… Thêm vào đó, các công ty du lịch, lữ hành cũng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để xây dựng các tour du lịch có chất lượng, hấp dẫn dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có của các địa phương. Nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các công ty du lịch và người dân bản địa thì chắc chắn, trong tương lai, Tây Bắc sẽ trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế.

 

Nhân dịp này, Dự án EU cũng kết hợp bàn giao trang thiết bị cho Nhà Văn hóa xóm Ải và Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình; Nhà Văn hóa Phiêng Lơi và Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên; Nhà Văn hóa Vàng Pheo và Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu./.

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục